Dùng ong châm vào khớp gối với hy vọng chữa được bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân bị rơi vào tình trạng hoại tử khớp gối, sốt cao, nhiễm khuẩn huyết.
Có tiền sử viêm khớp dạng thấp 20 năm nay, chị T.T.H, 43 tuổi ở Hà Tĩnh điều trị thường xuyên tại nhà. Gần đây chị xuất hiện đau nhiều các khớp gối, cổ bàn tay 2 bên.
Việc chữa bệnh theo phương pháp truyền miệng đang gây nhiều hệ lụy với sức khỏe cho người dân. |
Do điều trị nhưng thấy không đỡ nên chị đã tự ý dừng thuốc đột ngột và chuyển điều trị ong châm khớp gối. Một tuần nay, chị xuất hiện sưng nóng đỏ đau nhiều cẳng, bàn chân phải.
Nghe người mách, chị đã tự đắp, bôi nhiều loại thuốc Nam tại nhà. Tuy nhiên, sau đó 4 ngày, cẳng chân phải sưng đau hoại tử kèm sốt cao liên tục, nói nhảm nhiều.
Khi đến cơ sở y tế điều trị chị H. được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết viêm mô mềm. Sau điều trị một ngày, bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng kích thích, nói nhảm và sốt liên tục; sưng đỏ đau cẳng chân phải nhiều, loét mủ hoạt tử nhiều mu bàn chân phải; biến dạng khớp bàn ngón tay 2 bên.
Chị H. được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết-viêm mô bào cẳng bàn chân phải/ viêm đa khớp dạng thấp. Khi được điều trị các chỉ số ổn định tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, chị H. được chuyển đến Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống phẫu thuật cắt lọc hoại tử.
Bác sỹ Phạm Văn Tỉnh, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau gần 1 tiếng, các phẫu thuật viên đã tập trung cắt lọc hoại tử và làm sạch các khoang ở cẳng chân.
Sau mổ, bệnh nhân dần ổn định và đã lấy lại ý thức. Hiện bệnh nhân H. đang được lắp hệ thống hút liên tục để chờ vết thương ổn định trước khi tiến hành cấy da từ vùng đùi xuống.
Bác sỹ Tỉnh cảnh báo, đây là một ví dụ điển hình về tự ý điều trị bệnh bằng các phương pháp không được kiểm chứng. Bệnh nhân có tiền sử viêm đa khớp dạng thấp, đặc biệt ở 2 khớp gối, đã tự điều trị bằng corticoid trong nhiều năm mà không có hiệu quả. Từ 6 năm trước, bệnh nhân đã tìm ra phương pháp dùng ong đốt vào chân để chữa khớp gối trên internet và cảm thấy có đỡ.
Hơn một tháng trước, khi cơn đau tái phát, bệnh nhân tiếp tục điều trị phương pháp này tại nhà một thầy lang, dẫn đến tình trạng ong đốt chi chít ở cả hai đầu gối. Sau khi bị ong đốt, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sưng đau kéo dài tại vị trí bị đốt, dẫn đến mưng mủ khớp gối nhưng không đến bệnh viện.
Tình trạng nhiễm trùng lan xuống mu bàn chân phải, khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái nhiễm độc tiền hôn mê và phải mổ cấp cứu. Trường hợp bệnh nhân này cũng là một lời cảnh tỉnh cho mọi người về việc tiếp cận dịch vụ y tế chưa được cấp phép. Không tự ý sử dụng các phương pháp điều trị khi chưa có cơ sở khoa học.
Cũng gặp nạn do phương pháp chữa bệnh bằng cách truyền miệng, ông P.V.H. (62 tuổi, Bà Rịa – Vũng Tàu) là một minh chứng. Ông H. bị tiểu đường 10 năm, trong lần té xe khiến mu bàn chân trái hình thành 2 vết xước to bằng hạt đậu phộng. Sau vài ngày, vết thương rỉ dịch, đau nhức.
Sợ bị cắt cụt chân, ông H. được người quen giới thiệu đến các địa điểm chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian, truyền miệng.
Chỉ trong 5 tuần, ông đi tới lần lượt các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM để đắp lá cây, đắp bột thuốc, thuốc uống, thuốc bôi… nhưng vết thương vẫn không lành, tình trạng lở loét lan rộng, sâu hơn, hoại tử, có mùi hôi, đen như hắc ín. Với nỗi lo lắng ngày càng tăng, ông H. thường xuyên bị mất ngủ, ăn không ngon miệng, sụt 2kg.
Đầu tháng 7, ông H. được đưa vào bệnh viện cấp cứu do đau chân dữ dội, sốt cao liên tục nhiều ngày và bắt đầu rơi vào mê man. Bác sĩ cho biết ông bị nhiễm trùng nặng, nếu không điều trị sớm có nguy cơ hoại tử nặng hơn dẫn tới đoạn chi (cắt bỏ chân do biến chứng bệnh tiểu đường).
Bà P.H.L. (62 tuổi, Lâm Đồng), cũng bị tiểu đường nhiều năm, gần đây nổi nhọt ở bắp chân, bà tự dùng lá cây, nhai và đắp lên nhọt.
Hơn 1 tuần, nhọt không đỡ mà ngày càng to ra. Bà L. nhờ người quen dùng kim chích nhọt xì mủ và mua thuốc bột màu đen từ người quen trong vùng về bôi.
Mụn nhọt nhỏ bằng hạt bắp, dần sưng to bằng chén cơm, da xung quanh đen dần. Bà L. thường xuyên mất ngủ do đau nhức. Được con dâu khuyên nhủ nhiều lần, bà bắt xe đò vào bệnh viện thăm khám.
Còn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, cơ sở vừa tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ nhưng không được xử trí kịp thời bởi gia đình bôi nước gừng, sau đó lấy kim chích lể các đầu ngón tay và tai để bóp bỏ “máu độc”.
Bác sỹ Trần Văn Kiên, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não, nhập viện muộn và xử trí sai cách dẫn đến nguy kịch. Thời gian cấp cứu vàng cho người đột quỵ là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.
Từ ca bệnh nêu trên bác sỹ Tình khuyến cáo, khi gặp vấn đề về sức khỏe, người dân hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị thay vì tự điều trị tại nhà hoặc sử dụng những phương pháp không được kiểm chứng.
Còn theo TS.Lâm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, các phương pháp điều trị dân gian như đắp lá cây, thuốc tán từ lá hay vỏ cây, uống lá cây… đều có tác dụng nhất định nhưng cần y học nghiên cứu thêm để chỉ rõ bộ phận nào của cây thuốc, hàm lượng ra sao, cách sử dụng thế nào mới an toàn. Riêng với các biện pháp dùng kim chích lấy mủ, cắt lể rất nguy hiểm với người bệnh tiểu đường.
Không chỉ vậy, người bệnh tiểu đường kèm theo các yếu tố như đường huyết cao, biến chứng mạch máu, thần kinh, lão hóa da… nên dễ nhiễm trùng và lâu lành hơn người không mắc bệnh. Các phương pháp điều trị dân gian cần cẩn thận, vì hiệu quả không rõ ràng, tính an toàn thấp khi sử dụng.
Nguồn: https://baodautu.vn/bo-thoi-quen-chua-benh-theo-truyen-mieng-d220663.html