Yên Hòa-một xã của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí, dồn sức về đích nông thôn mới
Yên Hòa-một xã của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí, dồn sức về đích nông thôn mới
Đổi thay từ chương trình nông thôn mới
Trở lại xã Yên Hòa vào trung tuần tháng 7, đập vào mắt chúng tôi là những con đường bê tông rộng rãi, mới toanh chạy thẳng vào tận ngõ của người dân; những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên ngày một nhiều; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được quan tâm đầu tư; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ngày càng toàn diện; thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao. Sau hơn một thập kỷ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo Yên Hòa như “thay da đổi thịt”.
Có mặt tại tuyến đường vào khu sản xuất tại xóm Lang, xã Yên Hòa, con đường đất lầy lội nay đã được thay thế bằng đường bê tông rỗng rãi, mới toanh. Người dân trong xóm ai nấy đều phấn khởi, vui mừng vì giờ đây việc đi lại cũng như vận chuyển thuận tiện hơn trước nhiều.
Chỉ tay vào tuyến đường bê tông, anh Lã Minh Hòa trú tại xóm Lang hồ hởi nói: “Trước đây, đường vào khu sản xuất là con đường đất nhỏ và hẹp. Trời mưa thì lầy lội, trơn trượt gây khó khăn cho việc đi lại cũng như vận chuyển nông sản của bà con. Năm 2023, được nhà nước đầu tư con đường bê tông mới vào khu sản xuất, việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con trong xóm cũng dễ dàng hơn trước rất nhiều, giúp tiết kiệm chi phí nhân công; giá thành nông sản cũng được nâng lên. Qua đó, đời sống của bà con cũng ngày được nâng cao lên nhiều”.
Anh Nguyễn Viết Hùng, Trưởng xóm Lang, xã Yên Hòa cho biết: Từ khi thực hiện chương trình nông thôn mới, bộ mặt nông thôn xã Yên Hòa thay đổi rõ rệt. Đường xá, cơ sở hạ tầng ngày càng được nhà nước quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt, học tập của người dân và con em trên địa bàn.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình giúp người dân phát triển kinh tế được triển khai trên địa bàn xã, trong đó, tại xóm Lang là mô hình trồng gai xanh đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần hoàn thiện tiêu chí thu nhập trên địa bàn.
“Cây gai xanh một năm sẽ cho thu 4 vụ, nếu chăm sóc tốt sẽ cho 5 vụ. Mỗi ha cây gai xanh sẽ cho thu được 4 -5 tạ vỏ khô. Với giá thu mua 40.000 đồng/kg vỏ khô, mỗi năm với 1 ha cây gai xanh có thể cho thu nhập cả trăm triệu đồng. So với các loại cây trồng khác như cây ngô, sắn cây gai xanh cho thu nhập cao gấp 3 lần”, anh Hùng cho hay.
Phấn đấu về đích nông thôn mới đúng hẹn
Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc vừa mới được đầu tư xây dựng, anh Bùi Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc cho biết: Trước khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Yên Hòa với xuất phát điểm thấp là một xã nghèo, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đời sống của người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Xác định đây là trách nhiệm rất lớn, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Yên Hòa đã nỗ lực thực hiện, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí, để về đích nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.
Với sự quyết tâm của cấp ủy chính quyền, cùng sự đồng lòng của người dân, đến nay, xã Yên Hòa đạt 15/19 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt bao gồm: Cơ sở vật chất văn hoá; Thu nhập; Nghèo đa chiều; Y tế. Năm 2024 xã phấn đấu hoàn thành 2 tiêu chí là cơ sở vật chất và y tế. Đến năm 2025, xã nỗ lực hoàn thành 2 tiêu chí còn lại là thu nhập và nghèo đa chiều để về đích nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho hay, để đạt mục tiêu đề ra, Ban chỉ đạo và ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Yên Hòa quyết tâm huy động mọi nguồn lực trên địa bàn xã để thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, đồng thời, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, trong số các tiêu chí, hai tiêu chí thu nhập và nghèo đa chiều khó thực hiện nhất. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 40,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 20,81%.
Bởi vậy, để hoàn thành 2 tiêu chí này, xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở rộng và phát triển các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác mới về chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái từ lợi thế của địa phương, qua đó, tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc thông tin, qua hơn 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay, huyện có 4/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Tú Lý, Hiền Lương, Cao Sơn, Toàn Sơn. 12/16 xã còn lại thì 100% là các xã vùng đặc biệt khó khăn. Công tác xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn; một phần do các xã trong huyện còn yếu, còn nghèo, mức đạt bình quân tiêu chí chỉ từ 10-12 tiêu chí; một phần nữa là do bộ tiêu chí giai đoạn mới có nhiều chỉ tiêu mới, yêu cầu ở mức cao rất khó thực hiện.
Huyện phấn đấu đến hết năm 2025 có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có xã Yên Hòa. Để giúp xã Yên Hòa sớm về đích nông thôn mới (dự kiến đầu năm 2025), phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình của nhóm xã định hướng về đích nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; kế hoạch chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, thực trạng và các giải pháp, chi tiết đến từng tiêu chí; lồng ghép các nguồn vốn, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phụ trách từng chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới có kế hoạch chi tiết để đạt theo kế hoạch đề ra.
Nguồn: https://danviet.vn/day-la-mot-xa-cua-hoa-binh-dang-no-luc-hoan-thanh-cac-tieu-chi-don-suc-ve-dich-nong-thon-moi-20240722184456184.htm