Hôm 22/7 (giờ Mỹ), Đảng Dân chủ đã nhanh chóng tập hợp sự ủng hộ với Phó Tổng thống Kamala Harris cho đề cử của đảng này, sau khi Tổng thốngJoe Biden bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2024 và sau đó thông báo ủng hộ bà Harris.
Trong lần phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi thông báo nhận được đa số phiếu ủng hộ, tại một sự kiện tại Nhà Trắng, bà Harris bày tỏ “vô cùng biết ơn” đối với ông Biden vì “sự phục vụ của ông cho quốc gia” và gọi di sản của ông là “chưa từng có trong lịch sử hiện đại”.
Hành trình từ Oakland đến Nhà Trắng
Bà Kamala Harris sinh ngày 20/10/1964 tại Oakland, California. Tên “Kamala” trong tiếng Phạn có ý nghĩa là “hoa sen”, cho thấy nguồn gốc Ấn Độ của phó tổng thống Mỹ, một điều bà luôn tự hào.
Bố mẹ của bà, Shyamala Gopalan và Donald Harris, đều là những người hoạt động trong phong trào dân quyền. Mẹ bà, bà Shyamala Gopalan, là người Ấn Độ, còn bố là người gốc Jamaica. Họ gặp nhau tại đại học California và kết hôn, nhưng ly hôn năm 1972 khi bà Harris và chị gái còn nhỏ.
Bà Harris được mẹ nuôi dưỡng và luôn dạy các con rằng họ sẽ luôn được nhìn nhận là phụ nữ da màu, điều này đã hình thành nên hình ảnh của bà Harris như hiện tại.
Năm 1986, bà Harris tốt nghiệp cử nhân Khoa học Chính trị và Kinh tế tại Đại học Howard, một trong những trường đại học đầu tiên dành cho phụ nữ da màu ở Washington. Năm 1989, bà hoàn thành chương trình học tại trường Luật Hastings của Đại học California.
Một năm sau, bà gia nhập văn phòng công tố quận Alameda với tư cách trợ lý luật sư quận. Từ đây, bà bắt đầu sự nghiệp chính trị, từng bước trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên giữ chức tổng chưởng lý California – luật sư hàng đầu và quan chức thực thi pháp luật tại tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ.
Năm 2014, bà Harris kết hôn với ông Doug Emhoff, một người đàn ông Do Thái sinh ra ở Brooklyn, New York. Cả hai cùng nuôi dưỡng hai con riêng của ông Emhoff là Cole và Ella.
Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của bà là năm 2020 khi ông Joe Biden chọn bà làm đối tác tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Sự lựa chọn lịch sử này đã đưa bà trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên được chọn làm ứng viên phó tổng thống của một đảng lớn.
Bà Harris đã cùng ông Biden đánh bại ông Donald Trump và bước vào Nhà Trắng. Bà Harris tiếp tục làm nên lịch sử khi trở thành nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.
Trong vai trò phó tổng thống, bà Harris được giao nhiệm vụ giám sát nhiều vấn đề khó khăn bao gồm di cư ở biên giới phía nam, quyền bầu cử và phá thai. Bà đã tham gia tích cực vào chiến dịch tái tranh cử của Biden, thường xuyên cảnh báo cử tri về những tác động của một tổng thống đảng Cộng hòa đối với việc tiếp cận phá thai.
Với tư cách là Chủ tịch Thượng viện, Harris đã phá kỷ lục gần 200 năm khi lần thứ 32 bỏ phiếu phá vỡ thế hòa tại Thượng viện Mỹ. Bà cũng chủ trì buổi xác nhận lịch sử cho Ketanji Brown Jackson, người phụ nữ da màu đầu tiên được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao Mỹ.
NHẬT DUY (Theo CBS)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/hanh-trinh-cua-nu-tuong-co-the-thay-ong-biden-lam-ung-vien-tong-thong-dang-dan-chu-204240723155814446.htm