Đông đảo khán giả và văn nghệ sĩ đã xúc động chào đón “kỳ nữ” Kim Cương. Trong cuộc đời lao động nghệ thuật, bà có đến 4 vai trò: tác giả, đạo diễn, diễn viên và nhà quản lý. NSND Kim Cương đã đổ biết bao mồ hôi và cả nước mắt để làm nên những ký ức khó phai của đời nghệ sĩ.
Sân khấu – bến đỗ của cuộc đời
NSND Kim Cương sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Mẹ bà là NSND Bảy Nam – người được mệnh danh là “tổ nghề sống” của sân khấu cải lương Nam Bộ; cha là bầu gánh Đại Phước Cương, người có công phát triển cải lương đến những sàn diễn chuyên nghiệp.
Bà nội của NSND Kim Cương là cô Ba Ngoạn, chủ rạp Palikao vang danh vùng Chợ Lớn; dì là cô đào Năm Phỉ nức tiếng một thời. Vì thế, từ khi còn trong bụng mẹ, bà đã được nuôi dưỡng bằng tiếng nhạc lời ca của nghệ thuật cải lương.
Dường như có một sợi dây vô hình gắn kết NSND Kim Cương và sân khấu đến tận hôm nay, đưa bà đến đỉnh vinh quang của sự nghiệp qua nhiều vai diễn. Tối qua, trích đoạn “Lá sầu riêng” – vở mà NSND Kim Cương vừa là tác giả vừa đóng vai chính – được diễn lại. Nhân vật cô Diệu đã đi theo bà từ năm 1963 đến 2004, chỉ dừng lại sau khi NSND Bảy Nam mất. Theo NSND Kim Cương, nhiều người đề nghị được diễn lại “Lá sầu riêng” nhưng bà muốn giữ vở kịch này như một kỷ niệm của gia đình.
“Tôi xin được làm điểm tựa nho nhỏ cho thế hệ kế thừa. Không dám nghĩ mình làm thầy, bất kể vai diễn nào cần thì tôi sẽ hướng dẫn các em, các cháu, vậy là đủ hạnh phúc rồi” – NSND Kim Cương bộc bạch.
NSND Kim Cương tâm sự rằng sân khấu chính là bến đỗ của cuộc đời bà. NSND Bảy Nam từng nói “đi hát không phải là một nghề mà là một đạo – đạo làm người”. NSND Kim Cương đã sống cả cuộc đời theo đúng kim chỉ nam đó. Bà đã không ân hận dù đối mặt rất nhiều khó nhọc. Hơn ai hết, bà hiểu trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật, 2 chữ cống hiến cho sân khấu giá trị vô cùng.
Trên con đường mở lối làm nên sân khấu kịch theo phong cách Nam Bộ, NSND Kim Cương đã để lại rất nhiều vở diễn kinh điển, mang ý nghĩa nhân văn qua nhiều vai trò, như: “Dưới hai màu áo”, “Trà hoa nữ”, “Vực thẳm chiều cao”, “Bông hồng cài áo”, “Lá sầu riêng”, “Huyền thoại mẹ”… Bà và đoàn kịch mang tên mình đã ghi dấu trong lòng công chúng trong nhiều thập niên của thế kỷ XX.
Nhiều người nhận xét ở kịch bản nào bà cũng phải khóc. Cô đào bi này có thể khóc liên tục trong 3 suất diễn, rồi lại nhanh chóng chuyển thành đứa trẻ ngây ngô để chọc cười khán giả với “Đám cưới đầu xuân”; khiến công chúng phải trầm trồ thán phục khi hóa thân thành chị em “cô Bê, cô Bích” có tính cách trái ngược nhau “Dưới hai màu áo”…
NSND Kim Cương biến hóa không ngừng trong diễn xuất cũng vì muốn được noi theo lời mẹ dạy – phải làm mới mình liên tục trên sân khấu. Bà làm đẹp sân khấu bằng những vở diễn hướng con người đến chân – thiện – mỹ, bởi nghệ thuật như một cái đạo tốt đẹp mà gia đình bà đã theo đuổi.
Gắn kết những trái tim
Sinh thời, NSND Bảy Nam từng chia sẻ: “Tác phẩm ưng ý nhất đời tôi chính là con gái Kim Cương”. Với NSND Kim Cương thì mẹ cũng là tất cả: “Mẹ là người đã có công sinh thành dưỡng dục, là người thầy trên sân khấu và cũng là người bạn diễn ăn ý, góp phần nâng đỡ, đào tạo một “kỳ nữ” trong làng kịch nói phía Nam”.
Mẹ cũng chính là nguồn động lực để NSND Kim Cương tích cực cùng xã hội hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh. Rời xa sân khấu gần 20 năm, cuộc sống của bà gắn bó với các hoạt động thiện nguyện. NSND Kim Cương hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM, phụ trách Ban Vận động tài chính và đối ngoại. Trong 10 năm qua, bà tổ chức chương trình “Nghệ sĩ tri âm”, chăm lo đời sống cho nghệ sĩ đồng nghiệp, công nhân sân khấu bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn, trao gửi những phần học bổng nghĩa tình cho con em nghệ sĩ hiếu học mỗi dịp đầu năm mới.
Như một định mệnh đưa người nghệ sĩ đến với nghệ thuật, mỗi ngày trôi qua dù không còn đắm mình dưới ánh đèn sân khấu song những vai diễn để đời của NSND Kim Cương vẫn gắn kết những trái tim hòa chung nhịp đập. Tình nghệ sĩ tri âm mà 10 năm qua bà nâng niu, vun đắp đã là nguồn cảm xúc làm nên sự diệu kỳ được kết tinh từ lòng tốt, từ chân lý “sống cho đời trước khi sống cho mình”.
Nhân dịp này, Viện Kỷ lục Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings đã trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam cho NSND Kim Cương với nội dung: “Người sáng lập, duy trì chương trình “Nghệ sĩ tri âm” và Quỹ Học bổng “Bảy Nam” hỗ trợ các nghệ sĩ neo đơn và con em nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn thường niên liên tục trong nhiều năm nhất” (10 năm).
Âm nhạc và thoại kịch của Kim Cương hòa quyện vào nhau, giúp dẫn dắt cảm xúc người xem một cách tự nhiên. Những người thực hiện chương trình vinh danh “kỳ nữ” Kim Cương đã ôn lại những hồi ức đẹp ấy về chặng đường nghệ thuật của bà.
Trong đêm vinh danh, khán giả đã thưởng thức các ca khúc bất hủ gắn liền với Đoàn Kịch nói Kim Cương. Số đông khán giả và giới chuyên môn đều ấn tượng bởi nét đặc trưng không lẫn với bất cứ một thương hiệu nào. Đó chính là sự xuất hiện của các tiết mục ca nhạc trước mỗi suất diễn. NSND Kim Cương mong muốn khán giả thả hồn vào những giai điệu âm nhạc trữ tình, trước khi gửi nhịp đập trái tim mình đến với những cung bậc tình cảm của câu chuyện kịch.
Chương trình độc đáo này đã giới thiệu nhiều nhạc phẩm bất hủ của dòng nhạc tiền chiến, bên cạnh đó còn góp phần đưa tên tuổi nhiều ca sĩ gắn bó với Đoàn Kịch nói Kim Cương đến gần với công chúng. Trong đêm qua, khán giả đã dâng trào cảm xúc khi nghe ca sĩ Elvis Phương hát “Duyên kiếp”, Đàm Vĩnh Hưng thể hiện “Bông hồng cài áo”, Nguyễn Phi Hùng – Ánh Ngọc trình diễn “Trở về mái nhà xưa”, Lê Thu Uyên hát “Lòng mẹ”. Đặc biệt, NSND Lệ Thủy đã ca bài vọng cổ “Giấc mộng lá sầu riêng” do soạn giả Viễn Châu sáng tác và 3 nghệ sĩ: Võ Minh Lâm, Ngọc Đợi, Hồ Ngọc Trinh hát “Tằm vương tơ” hết sức trữ tình, lãng mạn.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM – nhấn mạnh: “NSND Kim Cương ghi dấu trong lòng người hâm mộ không chỉ là một nghệ sĩ tài năng mà còn bởi trái tim lớn luôn hướng đến cộng đồng. Dẫu cho tuổi tác đã cao, bà vẫn miệt mài gõ cửa khắp nơi, tích cực vận động quyên góp cho những mảnh đời khó khăn. Công việc thiện nguyện như trao truyền cho bà một sức mạnh tinh thần to lớn. Cùng với đó, quỹ học bổng mang tên NSND Bảy Nam đã góp phần ươm mầm tương lai cho bao thế hệ con em gia đình nghệ sĩ”.
Nói về âm nhạc trong kịch Kim Cương, công chúng không thể không nhắc đến nhạc sĩ Lam Phương. Ca khúc “Duyên kiếp” do ông sáng tác dành riêng cho vở “Duyên kiếp lỡ làng”, sau này được NSND Kim Cương đổi tên thành vở kịch kinh điển “Lá sầu riêng”. Đây cũng là vở diễn đầu tiên có sự kết nối với âm nhạc, góp phần tôn vinh giá trị của tác phẩm kịch.
Có thể nói sự kết hợp của nhạc sĩ Lam Phương với NSND Kim Cương đã mở ra khuynh hướng “nhạc trong kịch” cho kịch nói. Các ca khúc chủ đề của vở diễn đã trở thành một yếu tố sáng tạo không thể thiếu của sàn diễn kịch chuyên nghiệp cả nước hiện nay.
Nguồn: https://nld.com.vn/vinh-danh-nsnd-kim-cuong-196240128205625237.htm