Chị cho biết cách đây không lâu sau khi tham gia vở “Bão rừng” (tác giả Tô Thiên Kiều, đạo diễn Hoàng Dũ), chị tạm ngưng biểu diễn vì lý do sức khỏe.
Tuy nhiên, vai Thủy Cầm, một người mẹ chịu nhiều đau khổ, những mong đứa con gái sống hạnh phúc nhưng nghịch cảnh cứ đeo đuổi hai mẹ con và gây nên sự ngộ nhận đầy ngang trái là vai diễn chị ưng ý.
Kể từ khi rời đoàn cải lương Sông Bé 2, nghệ sĩ Kiều Phượng Loan đã ngưng hoạt động sân khấu. Chị cố ý lẫn tránh báo chí, từ chối tất cả các lời mời tham gia taikshow, game show.
Từ sau lần HTV mời chị trở lại sàn quay với trích đoạn “Tấm lòng của biển” và “Vầng trăng cổ nhạc”, rồi chương trình “Sao nối ngôi” của Đài Truyền hình Vĩnh Long đón mời chị với sự thương yêu của khán giả. Nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp nhận xét Kiều Phượng Loan vẫn phong độ, sâu sắc và nét ca diễn của chị vẫn còn làm khán giả thương cảm da diết.
Trả lời câu hỏi vì sao nỗi buồn kéo dài buộc chị rời xa sân khấu, chị cho biết: “Thời gian đó má tôi bị bệnh qua đời, anh trai bị tai nạn cũng bỏ gia đình ra đi. Gia đình đến hồi suy sụp với nhiều biến cố. Có lúc tôi không tin mình đã vượt qua để tồn tại đến ngày hôm nay.
Tôi đã nhiều lần được xem cố NSƯT Thanh Nga diễn các vở: “Tiếng trống Mê Linh”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Con gái chị Hằng”… năm 1979 khi tôi đang công tác tại Đoàn kịch nói Bông Hồng, danh hài Bảo Quốc đã gợi ý với ban lãnh đạo đoàn Thanh Minh – Thanh Nga mời tôi về thế các vai của chị.
“Thú thật Đoàn kịch nói Bông Hồng không muốn cho tôi đi, Sở Văn hóa Thông tin TP HCM thời đó còn có ý định lập một đoàn kịch nói để tôi làm trưởng đoàn, gầy dựng thêm cho TP một bảng hiệu kịch mới. Vì sau chị Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, thời đó tôi được đánh giá có khả năng làm trụ cột cho sân khấu kịch” – nghệ sĩ Kiều Phượng Loan kể.
Nhưng chị yêu nghệ thuật cải lương, chiếc nôi đã đào tạo chị chính là trường Quốc Gia Kịch Nghệ Sài Gòn (tiền thân của Nhạc Viện TP HCM ngày nay). Cho đến lúc nổi danh trên sân khấu Lan Thanh – Kiều Phượng Loan năm chị 14 tuổi.
Do vậy, chị quyết định về đoàn Thanh Minh, chấp nhận lãnh 40 ngàn đồng/ suất để được sống với nghệ thuật cải lương. Trong khi nếu ở lại với kịch lương của chị thời điểm đó là 90 ngàn đồng/ suất.
“Tôi đã bỏ phí 10 năm tâm huyết. Nhiều lần các nghệ sĩ động viên tôi tiếp tục gắn bó với nghề. Nhưng rồi nỗi buồn khi mẹ tôi qua đời đã kéo tôi rời xa sàn diễn. Tuổi xuân trôi mất 10 năm cống hiến, giờ nghĩ lại tôi rất buồn. Tôi có người chú ruột là nghệ sĩ Út Hiền. Tôi học ở chú tôi nhiều bài học kinh nghiệm của nghề hát. Tôi theo nghề cũng từ sự dìu dắt của chú” – nghệ sĩ Kiều Phượng Loan bộc bạch.
Hiện nay nghệ sĩ Kiều Phượng Loan sống ở Đà Lạt nhiều hơn ở TP HCM, vì ngoài đó có gia đình người thân. Con trai chị tên Nguyễn Hữu Luân hiện chăm sóc mẹ.
“Thi thoảng tôi tham gia biểu diễn sân khấu học đường cùng CLB Sân khấu Lạc Long Quân. Thỉnh thoảng có kịch bản cải lương truyền hình hay thì tôi nhận lời tham gia. Ước nguyện hiện nay của tôi là có nhiều vai diễn mới, ấn tượng và mong được dịp xuất hiện trở lại với một vai tuồng đã gắn liền với tên tuổi, để có thể yên tâm giã từ sân khấu” – nghệ sĩ Kiều Phượng Loan tâm sự.
Nguồn: https://nld.com.vn/gap-lai-nghe-si-kieu-phuong-loan-vi-sao-tu-choi-chuc-truong-doan-kich-196240129074129994.htm