Trang Bulgarian Military dẫn thông tin gần đây được các phương tiện truyền thông Ukraine lan truyền cho biết, Ba Lan có thể sớm chuyển giao cho Kiev các máy bay chiến đấu MiG-29 từ thời Liên Xô.
Ví dụ, trang Ukrinform dẫn lời ông Janusz Oniszkiewicz, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan từ 1992-1993 và 1997-2000, cho biết việc chuyển những chiếc MiG-29 còn lại của Ba Lan sang Ukraine phụ thuộc vào lịch trình Warsaw nhận được tiêm kích F-35 tối tân từ Mỹ để thay thế các máy bay từ thời Liên Xô.
“Tôi ước tính việc này có thể mất khoảng nửa năm”, ông Oniszkiewicz nói với trang tin của Ukraine.
Điều đáng chú ý là việc bàn giao những chiếc MiG-29 này từ Ba Lan cho Ukraine là một phần của thỏa thuận an ninh được hai bên ký kết hồi đầu tháng 7. Các ước tính hiện tại cho thấy Không quân Ba Lan có thể có tới hai chục chiếc MiG-29 sẵn sàng để chuyển giao.
Một khi nhận được những chiếc Mikoyan MiG-29 này, phi đội MiG của Không quân Ukraine có thể trở lại hoạt động bình thường trong khi họ chờ đợi sự xuất hiện của những chiếc F-16 Fighting Falcon do Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất và Mirage 2000 do Dassault (Pháp) chế tạo từ các đồng minh châu Âu.
Một chiếc F-16 và một chiếc Mig-29 từ căn cứ không quân số 31 và 23 của Không quân Ba Lan. Ảnh: Reddit
Tuy nhiên, máy bay chiến đấu không phải là nhu cầu cấp thiết nhất của Không quân Ukraine lúc này. Nhu cầu chính là hệ thống phòng không mạnh và đầy đủ để bảo vệ hạm đội hiện có trên mặt đất.
Nếu không có những hệ thống phòng thủ này, việc bổ sung thêm nhiều máy bay phản lực có thể sẽ vô ích vì chúng có thể bị đối phương phá hủy trước khi kịp cất cánh thực hiện nhiệm vụ.
Trong một sự cố đáng lo ngại vào tuần trước, máy bay không người lái (UAV/drone) của Nga đã bay qua các sân bay Ukraine trong 3 ngày liên tiếp, xác định chính xác mục tiêu cho tên lửa đạn đạo Iskander của họ. Kết quả là Không quân Ukraine đã mất ít nhất 3 máy bay chiến đấu có giá trị, trong đó có một chiếc MiG-29.
Không rõ Ukraine hiện có bao nhiêu máy bay MiG. Vào đầu cuộc xung đột, bắt đầu từ tháng 2/2022, Kiev có hơn 50 chiếc MiG-29 từ thời Liên Xô, chiếm gần một nửa phi đội máy bay chiến đấu đang hoạt động của họ.
Tất cả những điều trên đặt ra câu hỏi: Tại sao Ukraine vẫn cần bổ sung máy bay chiến đấu thời Liên Xô khi sắp có trong tay các máy bay phương Tây?
Về câu hỏi này, ấn phẩm Defence24 của Ba Lan hồi đầu tháng 7 giải thích rằng việc triển khai máy bay phản lực MiG-29 dựa trên 2 yếu tố chính: thời gian và hậu cần.
Về cơ bản, điều này có nghĩa là các thành viên của Các lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ không cần đào tạo bổ sung để vận hành những chiếc máy bay từ thời Liên Xô và cơ sở hạ tầng hiện có đã có sẵn để bảo trì chúng. Do đó, việc chuyển giao các đơn vị MiG-29 từ Ba Lan sang Ukraine có thể được thực hiện nhanh chóng.
Hơn nữa, những chiếc MiG-29 vốn vẫn đang phục vụ trong Các lực lượng Vũ trang Ukraine, được sử dụng làm nền tảng cho các cuộc tấn công tiền tuyến bằng cách sử dụng JDAM-ER, AASM Hammer hoặc các loại bom hàng không dẫn đường khác do phương Tây cung cấp. Về cơ bản, điều này biến MiG-29 thành một dạng “pháo binh bay”.
Thách thức nằm ở chỗ Ba Lan không muốn xuất hiện khoảng trống về duy trì an ninh không phận của mình nếu họ chuyển giao hết MiG-29 của mình cho Ukraine trong khi vẫn chưa nhận được hàng từ Mỹ để thay thế.
Một trong những lý do khiến những chiếc F-35 mà Warsaw đặt hàng từ gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin vẫn chưa được chuyển giao là những rắc rối với bản cập nhật phần mềm TR-3 hiện đại nhất.
Minh Đức (Theo Bulgarian Military)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/du-f-16-sap-ve-tay-ukraine-van-muon-them-tiem-kich-mig-29-204240722212027728.htm