Sau khi vô địch Cúp quốc gia 2023 – 2024, CLB Thanh Hóa là một trong hai đại diện Việt Nam (cùng CLB Nam Định) tham dự AFC Champions League Two ở mùa giải tới. Tuy nhiên, đội bóng của HLV Velizar Popov mới đây đã gửi công văn xin phép Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) không tham gia AFC Champions League Two và được chấp thuận.
Trong trường hợp đội Thanh Hóa bỏ Cúp châu Á, bóng đá Việt Nam không được cử đại diện thay thế. CLB Nam Định sẽ là đại diện duy nhất của V-League có mặt ở AFC Champions League Two.
Tại sao CLB Thanh Hóa lại ngần ngại trước cơ hội đá AFC Champions League Two, giải đấu vốn tiền thân là AFC Cup?
Có hai lý do chính khiến đội bóng của Chủ tịch Cao Tiến Đoan “chùn bước” trước sân chơi được mệnh danh là Cúp C2 châu Á. Trước tiên là lịch thi đấu. Nếu dự AFC Champions League Two mùa tới, CLB Thanh Hóa sẽ trở thành đội bóng Việt Nam đầu tiên trong lịch sử tham dự 4 đấu trường chỉ trong một mùa giải (không tính Siêu cúp quốc gia). Cụ thể, thầy trò ông Popov sẽ tranh tài ở V-League, Cúp quốc gia, ASEAN Cup (giải vô địch các CLB Đông Nam Á) và AFC Champions League Two.
Ở những mùa giải trước đây, các đội Việt Nam nếu góp mặt ở giải châu Á sẽ chỉ tham dự tối đa 3 giải đấu cùng lúc (V-League, Cúp quốc gia, AFC Champions League hoặc AFC Cup). Chỉ riêng việc thi đấu giải châu Á cũng khiến các đội gặp khó trong việc phân bố thể lực.
Đơn cử trường hợp của CLB Hà Nội mùa trước. Đội bóng thủ đô đã chơi 6 trận ở AFC Champions League ở giai đoạn đầu V-League, dẫn đến mật độ mỗi tuần hai trận. Do tập luyện, di chuyển và thi đấu liên tục, các cầu thủ Hà Nội gần như không có thời gian nghỉ ngơi, dẫn đến sa sút thể lực. CLB Hà Nội gặp vấn đề ở nửa đầu mùa giải, chỉ hồi phục ở giai đoạn hai khi có lịch thi đấu “dễ thở” hơn.
Nếu dự AFC Champions League Two, lịch thi đấu của CLB Thanh Hóa thậm chí còn dày hơn Hà Nội mùa trước.
Cụ thể, các học trò của HLV Popov phải chơi ít nhất 6 trận ở giải đấu này (số trận sẽ lớn hơn nếu vượt qua vòng bảng). Cộng với 10 trận trong khuôn khổ vòng bảng ASEAN Cup, bên cạnh 26 trận ở V-League, cùng tối đa 5 trận ở Cúp quốc gia, CLB Thanh Hóa có thể phải chơi từ 47 đến 50 trận ở mùa giải 2024 – 2025, con số gần gấp đôi các đội khác ở V-League.
Vấn đề với các đội Việt Nam khi “lăn lộn” ở giải châu Á không thuần túy là mệt mỏi vì thi đấu, mà còn là việc di chuyển, thay đổi múi giờ lẫn khí hậu. Đội bóng xứ Thanh sẽ có ít nhất 8 trận làm khách ở các nước châu Á khác nếu dự cả AFC Champions League Two và ASEAN Cup, con số ngang ngửa CLB Hà Nội ở mùa giải 2019.
Bên cạnh thể lực, một trở ngại nữa với CLB Thanh Hóa nếu đá AFC Champions League Two là chi phí. Đội bóng xứ Thanh được chơi trên sân nhà Thanh Hóa ở ASEAN Cup, tuy nhiên tại sân chơi châu Á, có thể thầy trò Popov phải thuê một sân đấu khác, nếu sân Thanh Hóa không đáp ứng tiêu chuẩn của AFC. Mùa 2018, CLB Thanh Hóa từng thuê sân Mỹ Đình để đá vòng bảng AFC Cup (nay là AFC Champions League Two).
Chi phí thuê sân, di chuyển, thi đấu là gánh nặng, khiến nhiều đội Việt Nam chùn chân. Trước nay, CLB Hà Nội (bán kết AFC Cup 2019) và CLB Bình Dương (bán kết AFC Cup 2009) là những đội hiếm hoi thực sự “máu” ở giải châu Á.
Còn với phần đông các đội V-League, chi phí, chiều sâu lực lượng và thể lực là rào cản để có thể hết mình tại những giải đấu như AFC Champions League Two.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vi-sao-clb-thanh-hoa-ngai-da-cup-chau-a-18524072209174077.htm