Từ cánh rừng mênh mông…
Diện tích rừng của Nghệ An chủ yếu phân bố ở 11 huyện, thị xã miền Tây. Vì thế, một trong các nguồn thu nhập từ tài nguyên rừng của khu vực miền Tây, ngoài thực hiện chính sách về môi trường rừng, thì có thể xác định trong tương lai gần là bán tín chỉ carbon.
Trên cơ sở ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) từ tháng 10/2022 giữa Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) – cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF); Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2024. FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD.
Hiện, Nghệ An đang thực hiện các bước chuẩn bị cho việc vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, bắt đầu từ năm 2025 và đến năm 2028 sẽ hoạt động chính thức. Trước mắt, các cấp, ngành nơi đây đang hoàn thiện hồ sơ đủ điều kiện để giải ngân nguồn quỹ mà Ngân hàng Thế giới đã chuyển.
Ông Lô Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho hay: Huyện đang chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến chính sách về chi trả kinh phí bán tín chỉ carbon; lập kế hoạch chi trả theo đúng hướng dẫn; thẩm định kế hoạch tài chính hàng năm, trước mắt là năm 2024 cho UBND các xã và tổ chức được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng.
Một trong các khâu quan trọng để hoàn thiện hồ sơ chi trả trong giao dịch tín chỉ carbon, đó là lập danh sách chủ rừng được nhận chi trả kinh phí đúng thời hạn. Để đảm bảo thời gian chi trả cho các chủ rừng theo đúng thời gian quy định, chậm nhất ngày 31/12/2026, theo chia sẻ của các địa phương, còn rất nhiều bước thủ tục cần phải hoàn thành theo yêu cầu về hồ sơ giải ngân.
Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện là lập danh sách các đối tượng được hưởng tiền giảm phát thải khí nhà kính.
Để lập danh sách đối tượng hưởng lợi từ nguồn ERPA, chủ rừng và các tổ chức đang rà soát đối tượng, đảm bảo diện tích rừng tự nhiên khoán bảo vệ rừng từ nguồn ERPA không trùng với diện tích khoán bảo vệ rừng có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách Nhà nước để đảm bảo nguyên tắc hợp lý, không chồng chéo; thực hiện việc ký hợp đồng nguyên tắc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đối với cộng đồng dân cư. Tiếp đó, thực hiện rà soát, thống kê xác định diện tích rừng tự nhiên hiện có của từng chủ rừng để làm cơ sở cho việc lập Kế hoạch tài chính hàng năm…
… đến đồng lúa biếc
Hình thức sản xuất nông nghiệp, cũng là lĩnh vực góp phần làm phát sinh khí nhà kính, thúc đẩy quá trình trái đất ấm lên, mà trong đó, sản xuất lúa chiếm hơn 50% lượng phát thải khí nhà kính. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, là do thói quen sản xuất cũ, sử dụng nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không khoa học.
Với phương pháp tưới ngập, nước được duy trì liên tục trên ruộng ngay từ trước khi cấy đến khoảng 2 tuần sau trổ; vừa tốn nước tưới, công bơm nước, lại phát thải nhiều khí mê-tan CH4, đóng góp đáng kể khí gây hiệu ứng nhà kính.
Hoạt động giảm phát thải khí mê-tan liên quan chặt chẽ đến kỹ thuật điều tiết nước trên ruộng lúa; cụ thể là kỹ thuật “tưới ngập – khô” xen kẽ hay còn gọi là “nông lộ phơi”, không chỉ giúp giảm lượng nước sử dụng mà còn tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho nông dân. Khí mê-tan phát thải giảm thông qua kỹ thuật này, là cơ sở để phát hành tín chỉ carbon, từ đó làm lợi trực tiếp cho nông dân thông qua số tín chỉ mà họ đạt được.
Bằng việc tuân thủ đúng các biện pháp kỹ thuật, thực hiện tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa, nông dân vừa có cơ hội nâng cao thu nhập qua việc bán tín chỉ carbon, vừa đặc biệt đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, đảm bảo tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.
Có diện tích sản xuất lúa 180.000 ha/năm, Nghệ An có tiềm năng lớn trong giảm phát thải với diện tích lúa lớn, để hưởng tín chỉ carbon. Thế nên, đầu vụ xuân 2024, Sở NN&PTNT Nghệ An cùng với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ, Công ty Green Carbon và đại diện tổ chức JICA đã thực hiện chương trình “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Chương trình thực hiện trên diện tích gần 5.339,5 ha, thuộc 5 huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu và Đô Lương, với khoảng 24.000 hộ gia đình tham gia. Kết quả triển khai vụ xuân năm 2024, chưa thấy ảnh hưởng của việc áp dụng quy trình AWD đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Trong khi đó, đã giảm được 2 đến 3 lần tưới/vụ so với tập quán của người dân. Đồng thời, bước đầu ghi nhận có sự giảm lượng khí mê tan (CH4) phát thải đáng kể trong sản xuất lúa tại các điểm theo dõi.
Đặc biệt, Chương trình thí điểm tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa, đã đem lại những kết quả hết sức đáng ghi nhận. Thực hiện theo quy trình canh tác mới nên công tác tưới cũng tiết kiệm nước, làm giảm tiền điện và công bơm. Thu từ tín chỉ đạt khoảng 7 đến 8 tín chỉ/ha năm. Với giá 1 tín chỉ khoảng 15 USD, thì với diện tích thí điểm, chương trình đem lại nguồn thu khoảng 1,6 triệu USD.
Với thành công ban đầu đó, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ đề xuất UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục duy trì và phát huy các vùng thuộc 5 huyện đã thực hiện chương trình tại vụ xuân năm 2024, với diện tích khoảng 5.200ha. Đồng thời, tiếp tục mở rộng chương trình cho 4 huyện mới gồm Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Thanh Chương, Tân Kỳ với diện tích dự kiến khoảng 4.000ha.
Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An chia sẻ: Để sản xuất lúa theo hướng đáp ứng yêu cầu tạo tín chỉ carbon, cần đáp ứng nhiều tiêu chí, yêu cầu từ khâu tổ chức và chấp hành tốt thời vụ sản xuất, các biện pháp canh tác. Vì vậy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần có sự phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo, quy hoạch vùng, từ đó đưa ra quy trình sản xuất chuẩn để chỉ đạo thực hiện, tạo thành áp lực để tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu.
Nguồn: https://baodantoc.vn/tin-chi-carbon-xu-huong-san-xuat-xanh-tiem-nang-mang-lai-nguon-thu-lon-o-nghe-an-1720260341222.htm