Ngày tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2024 diễn ra đồng thời ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) và ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 20-7. Ngoài những thắc mắc về cách thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển còn có nhiều câu hỏi về ngành nghề được nêu ra.
Ngày tư vấn do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT)
Nên chọn ngành thực sự yêu thích
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng – chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), ngày 19-7 Bộ GD-ĐT đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) ở khối đào tạo sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và khối ngành đào tạo giáo viên. Thí sinh đăng ký vào các ngành này có thể điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp.
Sau khi đăng ký thành công, từ ngày 31-7 đến 17h ngày 6-8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng đã đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT.
Do quy trình của các ngân hàng nên phải phân vùng nộp lệ phí xét tuyển theo từng khu vực và thời gian khác nhau. Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết việc này cho thí sinh ở từng địa phương và thời điểm nộp lệ phí xét tuyển.
Một thí sinh thắc mắc: “Ngành môi trường thường có điểm trúng tuyển thấp. Vậy ngành này có tiềm năng hay không và học ra trường xin việc có khó?”. Giải đáp thắc mắc này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – cho biết ngành môi trường đã có một thời rất “hot” điểm chuẩn khá cao. Nhưng hiện nay điểm chuẩn ngành này tương đối thấp so với các ngành học khác.
Một trong những lý do là học ngành môi trường thường ra trường làm việc trong các cơ quan nhà nước. Trong khi việc tuyển dụng biên chế ở các cơ quan nhà nước số lượng có hạn. Bên cạnh đó, ngành môi trường hiện đang được đào tạo ở hầu hết các trường ĐH. Nhiều trường đào tạo nhưng ít người chọn học thì điểm chuẩn tất nhiên sẽ thấp.
“Tuy nhiên, tôi tin rằng thời gian tới, khi các công ty tư nhân tham gia vào vấn đề xử lý môi trường thì tình hình sẽ khác. Trong tương lai, vấn đề môi trường sống của chúng ta đặc biệt quan trọng hơn nên nhu cầu nhân lực ngành môi trường sẽ nhiều hơn.
Vì vậy, các em không nên lo lắng. Vấn đề quan trọng các em cần xác định là mình có thật sự yêu thích lĩnh vực môi trường hay không. Không phải ngành có điểm chuẩn thấp là nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành đó ít. Các em nên chọn ngành nghề mình thật sự yêu thích”, thầy Hùng khuyên.
Thắc mắc xét tuyển kết hợp
Một phụ huynh ở TP.HCM thắc mắc về phương thức xét tuyển kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS của Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
“Các thí sinh có IELTS 6.0, 7.0, 8.0… khi xét tuyển có khác nhau không? Điểm chuẩn ngành y khoa của thí sinh có IELTS với thí sinh không có chứng chỉ này giống hay khác nhau?”, phụ huynh này hỏi.
Về việc này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM – cho biết hiện nay ngành y khoa có ba phương thức xét tuyển chính: xét điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp B00 (toán – hóa – sinh), xét tuyển kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS từ 6.0 trở lên) và xét điểm SAT.
“Ba phương thức này xét tuyển độc lập với nhau và có chỉ tiêu riêng. Khi nhà trường xét, ví dụ thí sinh có IELTS 6.0 hay 8.0, đó không phải là tiêu chí xét tuyển. Miễn sao thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên là được.
Tiêu chí xét tuyển là điểm khối B00, thí sinh nào có điểm cao hơn sẽ được chọn. Thí sinh được quyền tham gia đồng thời nhiều phương thức xét tuyển nếu đáp ứng điều kiện quy định. Nhà trường sẽ xét tất cả các phương thức, nếu cả ba phương thức đều không đạt thì thí sinh rớt. Với cách thức đăng ký xét tuyển năm nay, thí sinh không cần ghi thông tin phương thức xét tuyển”, thầy Khôi giải thích.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh còn thắc mắc về cách thức đăng ký phương thức xét tuyển kết hợp của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) và cung cấp thông tin bổ sung của thí sinh.
Giải đáp về việc này, PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo nhà trường – cho biết: “Hiện khá nhiều trường yêu cầu thí sinh cung cấp thêm thông tin bổ sung. Nếu không thực hiện điều này, thí sinh bị vướng vào điều kiện cứng sẽ bị loại hồ sơ hoặc mất ưu tiên trong xét tuyển.
Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa quy định đăng ký xét tuyển vào chương trình dạy và học bằng tiếng Anh thì buộc thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh, đó là điều kiện cứng. Còn các thành tích cá nhân của thí sinh nếu có nộp thì sẽ được cộng điểm ưu tiên, nếu không nộp sẽ không được cộng điểm”.
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ):
Giúp học sinh chọn ngành, chọn trường phù hợp
Ngày tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ hôm nay được tổ chức nhằm giải đáp mọi thắc mắc của thí sinh, phụ huynh về chọn ngành, chọn trường, sắp xếp nguyện vọng đăng ký xét tuyển phù hợp với năng lực, sở thích cũng như điều kiện kinh tế gia đình.
Báo Tuổi Trẻ hiện đang tập trung thực hiện chương trình học bổng Tiếp sức đến trường. Hằng năm, báo Tuổi Trẻ đều trao khoảng 1.000 suất cho tân sinh viên khó khăn khắp cả nước với mỗi suất 15 triệu đồng.
Học bổng do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp để tiếp sức cho giấc mơ giảng đường của các bạn trẻ trúng tuyển ĐH nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, bạn nào đậu ĐH, CĐ nhưng gặp khó khăn cần hỗ trợ hãy mạnh dạn liên hệ báo Tuổi Trẻ. Thầy cô giáo có học trò khó khăn đậu ĐH hãy giới thiệu để báo Tuổi Trẻ hỗ trợ cho các bạn.
Muốn nghe trực tiếp hơn nghe trên mạng
Anh Ngô Tấn Tài (Sóc Trăng) đã đưa em trai của mình đến để em được trực tiếp nghe các thầy cô giáo tư vấn hướng nghiệp mặc dù trước đó anh cũng có chia sẻ những trải nghiệm đi học ĐH của mình cho em trai, để giúp em không bị mông lung giữa nhiều nguồn thông tin trên mạng xã hội. Anh hy vọng nhiều câu hỏi của em trai về chương trình học như số tín chỉ, học phí, các bằng cấp cần để ra trường… sẽ được giải đáp cặn kẽ.
Còn đôi bạn học Mỹ Phụng và Khánh Vy hào hứng chia sẻ: “Trước khi tới đây tụi mình đã tìm hiểu những thông tin trên các trang mạng về tư vấn tuyển sinh. Nhưng do tụi mình muốn trực tiếp lắng nghe các thầy cô giáo tư vấn nên hôm nay rủ nhau tới”.
26 trường ĐH Đài Loan tham gia
Ngày xét tuyển ĐH năm 2024 tiếp tục ghi nhận sự tham gia của nhiều trường ĐH đến từ Đài Loan (Trung Quốc). Tổng cộng có 26 trường ĐH Đài Loan tham dự, có nhiều thế mạnh ngành nghề khác nhau. Năm 2024, các trường cũng mang đến nhiều suất học bổng giá trị cho sinh viên Việt Nam.
Bà Hsiu-Hui Chang, trưởng bộ phận quan hệ quốc tế ĐH Sư phạm Chương Hóa, cho biết năm nay, trường triển khai 50 suất học bổng cho sinh viên quốc tế. “Việt Nam luôn là thị trường quan trọng mà các trường ĐH Đài Loan muốn hướng đến vì sinh viên có năng lực giỏi, cần cù, chịu khó”, bà Hsiu-Hui Chang nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-nganh-lay-diem-chuan-thap-se-kho-kiem-viec-lam-20240721080947405.htm