Phát biểu khai mạc, ThS Đỗ Thị Nam Phương, Trưởng Trung tâm Truyền thông, Bệnh viện Đại học Y Dược (BV ĐHYD) TP.HCM, bày tỏ trân trọng trước sự tham gia đông đảo của các chuyên gia y tế, thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm trong việc đổi mới phương thức truyền thông số trong y tế. ThS Nam Phương nhấn mạnh mục tiêu của chuỗi hội thảo lần này là tìm ra giải pháp giúp các bác sĩ và điều dưỡng dễ dàng sử dụng các công cụ truyền thông số để lan tỏa kiến thức y tế chính thống và đưa ra các giải pháp cho cơ sở y tế.
TS Hoàng Ái Phương, Chủ nhiệm cấp cao/Giảng viên cấp cao Chương trình Digital Marketing Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, đã chia sẻ về bối cảnh số hóa của Việt Nam với mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2030. TS Ái Phương nhấn mạnh rằng chuyển đổi số là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống y tế, giúp mang lại cuộc sống hưng thịnh và hạnh phúc hơn cho người dân.
Để hoàn thành giấc mơ lớn, mỗi người dân cần trở thành một công dân số có khả năng làm việc và giải trí trên không gian số, dám mạnh dạn kết nối và thành thạo trong sử dụng các dịch vụ online. Hội thảo đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thông y tế trong việc lan tỏa những thông điệp đúng đắn nhằm thay đổi nhận thức và hành vi. Các chuyên gia y tế cần tự tin trước máy quay, sáng tạo nội dung hữu ích, giao tiếp hợp lý và bảo vệ thông tin cá nhân cùng sức khỏe tinh thần. Các kỹ năng số cần thiết bao gồm bảo vệ thiết bị và dữ liệu cá nhân, tương tác an toàn trong môi trường số, và sáng tạo, quản lý nội dung số.
Trong buổi hội thảo, nhiều ý kiến từ chính người tham dự đã được đưa ra dựa trên góc nhìn của bản thân. TS-BS Bùi Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nội tim mạch, BV ĐHYD TP.HCM, bày tỏ lo lắng về việc tham gia mạng xã hội có thể đối mặt với ánh mắt dòm ngó và lời nói thiếu thiện cảm cho rằng bác sĩ không lo chuyên môn lại lên mạng làm màu. Một quản lý cơ sở y tế khác đặt nghi vấn: “Nếu phát triển các bác sĩ trở nên nổi tiếng, rồi sau đó họ bỏ đi, liệu bệnh viện có bị thiệt hại không?”.
Đứng trước những lo ngại này, ThS Nam Phương nhấn mạnh vai trò của các cơ sở y tế và cá nhân bác sĩ khi tham gia vào mạng lưới truyền thông là trở thành chuyên gia trong xã hội để “uốn nắn” luồng thông tin và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhân tài y tế dù công tác ở đâu cũng là phụng sự xã hội, vì vậy lãnh đạo các cơ sở y tế nên cởi mở trong việc đầu tư cho các nhân sự y tế tiềm năng trở thành những người có ảnh hưởng xã hội. Và những đơn vị ươm mầm tài năng như vậy sẽ có tầm ảnh hưởng thương hiệu lớn hơn những nơi khác.
Dược sĩ Nguyễn Ngọc Út, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông số, cũng chia sẻ sự ủng hộ với sáng kiến của BV ĐHYD TP.HCM trong việc xây dựng và phát triển kỹ năng truyền thông cho chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội, hy vọng rằng các chuyên gia y tế có thể vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu bằng việc tạo ra các video ngắn, từ từ bình quân lại lượng video thiếu chính thống trên không gian mạng.
Hội thảo không chỉ là một sự kiện học thuật mà còn là nơi kết nối và truyền cảm hứng cho bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên truyền thông y tế. Những ý tưởng và kiến thức được chia sẻ tại đây sẽ là nền tảng vững chắc để truyền thông y tế ngày càng phát huy vai trò quan trọng của mình, góp phần tạo nên một hệ thống thông tin y tế hiệu quả, minh bạch và đáng tin cậy.
Buổi hội thảo tiếp theo về chuyên đề “Củng cố sức mạnh truyền thông thông qua quan hệ công chúng và truyền thông nội bộ” sẽ được tổ chức vào 14 giờ 00 thứ sáu ngày 26.7.2024 tại Hội trường 3A, lầu 3, BV ĐHYD TP.HCM.
Nguồn: https://thanhnien.vn/khoi-dong-chuoi-hoi-thao-xay-dung-va-phat-trien-ky-nang-truyen-thong-cho-chuyen-gia-y-te-tao-anh-huong-xa-hoi-185240721112436245.htm