Trong lịch sử môn bóng đá nam tại Olympic, các đội tuyển châu Âu và châu Mỹ gần như chia nhau vị thế thống trị. Nếu thế kỷ 20 là sự vượt trội của các đại diện lục địa già như Vương quốc Anh, Hungary, Tây Ban Nha, Pháp, thì bước sang thế kỷ 21, đến lượt các đội châu Mỹ chiếm thế thượng phong.
5 kỳ Olympic gần nhất, châu Mỹ đều đoạt HCV. Đó là chức vô địch của Argentina (2004, 2008), Mexico (2012) và Brazil (2016, 2021). Đan xen giữa các tấm HCV của các đội châu Âu và châu Mỹ, thi thoảng có bóng dáng các đội châu Phi như Cameroon (2000), Nigeria (1996).
Vậy các đội châu Á ở đâu trong cuộc đua tại môn bóng đá nam Olympic? Câu trả lời là… hoàn toàn lép vế. Chưa có bất cứ đại diện châu Á nào đăng quang tại Olympic. Thành tích tốt nhất mà một đội châu Á dành được là HCĐ, như trường hợp của Hàn Quốc ở Olympic London năm 2012 sau khi thắng Nhật Bản ở trận tranh hạng ba. Ở Olympic 1968, Nhật Bản cũng đoạt HCĐ. Ở Olympic năm nay, một trong hai trụ cột của bóng đá châu Á không còn hiện diện, đó là Hàn Quốc. Trong ba đội tham dự gồm Nhật Bản, Uzbekistan và Iraq, mọi hy vọng sẽ đặt lên vai “anh cả” Nhật Bản.
Chuyện các đội châu Á lép vé ở Olympic cũng tương tự World Cup, khi bóng đá châu Á rõ ràng vẫn ở trình độ thấp hơn châu Âu, châu Mỹ hay thậm chí một số đội châu Phi. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới bóng đá ngày càng “phẳng” hơn, bất ngờ có thể xảy ra.
Đội tuyển trẻ có cơ hội tạo bất ngờ lớn nhất hiển nhiên vẫn là Nhật Bản – đương kim vô địch U.23 châu Á. Tại Olympic Tokyo 2020, Nhật Bản từng thắng Pháp, Mexico để lọt vào tới bán kết. Đội bóng xứ mặt trời mọc chỉ chịu dừng bước trước Tây Ban Nha, dù có tiếng là đội trẻ nhưng… hơn nửa đội hình vừa đá bán kết EURO trước đó như Pedri, Pau Torres, Mikel Oyarzabal, Dani Olmo hay Mikel Merino. Nhật Bản đã chơi sòng phẳng với Tây Ban Nha, trước khi chịu khuất phục bởi khoảnh khắc xuất thần của Marco Asensio, một cầu thủ dự giải theo diện quá tuổi, trong hiệp phụ trận bán kết.
Hình ảnh chắc chắn của “lão tướng” Maya Yoshida ở hàng phòng ngự hay bùng nổ của Takefusa Kubo trên hàng công là biểu tượng cho sức mạnh toàn diện của Nhật Bản ở Olympic Tokyo. Rõ ràng ở 2 trong 3 kỳ Olympic gần nhất, cán cân đã thay đổi. Bóng đá châu Á chưa thể bứt lên, nhưng khoảng cách đã ngắn lại.
Các cấp độ đội tuyển Nhật Bản đã tiến bộ vượt bậc trong hai thập kỷ qua, nhờ cách xây dựng bóng đá bài bản cùng dàn cầu thủ “tu nghiệp” ở châu Âu. Trước thềm Olympic Paris 2024, Nhật Bản đã hòa chủ nhà Pháp với tỷ số 1-1. Đó là kết quả khích lệ với thầy trò HLV Go Oiwa.
Cản trở của Nhật Bản, là đội bóng này sẽ đến với Olympic Paris mà không có cầu thủ quá tuổi nào. Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) đã thuyết phục các ngôi sao, trong đó có Wataru Endo của Liverpool, nhưng không được đội bóng chủ quản đồng ý. Như vậy, Nhật Bản sẽ đá với đội hình thuần túy U.23. Tuy nhiên, lối chơi chặt chẽ, kỷ luật cùng phần lớn các ngôi sao đang chơi trong nước sẽ biến Nhật Bản thành đối thủ khó đoán.
Các đội tuyển trẻ Uzbekistan và Iraq cũng tới Olympic với thế cửa dưới. Dù vậy, khát vọng tạo bất ngờ, nguồn quyết tâm và động lực mới mẻ trong lần hiếm hoi bơi ra “biển lớn” sẽ giúp các đội châu Á chơi với tâm thế không có gì để mất. Không dễ vượt qua những đội tuyển cực mạnh như Pháp, Argentina hay Tây Ban Nha, nhưng hãy tin tưởng: Olympic Nhật Bản cùng các đại diện châu Á sẽ không cam phận kẻ ngoài lề.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bong-da-nam-tai-olympic-paris-2024-chau-a-yeu-the-nhung-185240721064939763.htm