Nâng hạng thị trường cần sự nỗ lực chung
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, thị trường chứng khoán nước ta đã đạt được độ lớn, như người mặc áo chật, cần bước lên bước tiến mới. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Bộ Tài chính cùng sự tham gia quyết liệt của các thành viên thị trường, hiện đã cải thiện thêm tiêu chí mà MSCI đưa ra.
Ngay trong tháng 7, Ủy ban sẽ công bố dự thảo lấy ý kiến lần cuối cho việc sửa đổi 4 thông tư về thị trường chứng khoán, lưu đồ thanh toán. Cuối tháng 7, Bộ Tài chính sẽ tổ chức hội nghị tại Singapore, lấy ý kiến nhà đầu tư lần cuối trước khi ký ban hành. Đây là bước tiến nối dài của việc suốt năm qua, Bộ Tài chính, UBCKNN đã liên tục tổ chức nhiều hội nghị, làm việc với nhiều tổ chức xếp hạng.
Bà Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát để đăng công khai tỉ lệ sở hữu nước ngoài đối với các ngành nghề hạn chế tiếp cận. Song song với các giai đoạn cụ thể, Ủy ban sẽ cơ cấu cơ sở hàng hóa, các tổ chức kinh doanh, nhà đầu tư để mở rộng hơn nữa khả năng huy động vốn, IPO gắn với niêm yết.
“Việc nâng hạng phụ thuộc vào đánh giá khách quan của tổ chức quốc tế. Do đó, cần nỗ lực chung của cơ quan quản lý, phối hợp của các bộ ngành, doanh nghiệp niêm yết, thành viên thị trường, ngân hàng lưu ký, nhà đầu tư, cơ quan báo chí… để thị trường sớm được nâng hạng theo mục tiêu 2025” – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán chia sẻ.
Tăng chất lượng doanh nghiệp niêm yết
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh – sáng lập kiêm Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy – lưu ý 2 vấn đề khi nâng hạng thị trường. Thứ nhất là hàng hóa. Năm 2017, chỉ có khoảng 3 cổ phiếu Việt Nam trong rổ MCSI, lượng tiền thu hút được rất nhỏ. Thứ hai là làm sao để trụ hạng, điển hình như Pakistan. Việt Nam rất cố gắng để vào danh sách thị trường mới nổi, nhưng quan trọng là đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam.
Về phía công ty chứng khoán, ông Trịnh Hoài Giang – Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) – cho rằng, việc tăng vốn là cần thiết để đáp ứng cơ chế mới, giao dịch không ký quỹ trong điều kiện thanh toán chưa được tối ưu.
Ông Nguyễn Khắc Hải – Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI – nhấn mạnh, nhà đầu tư nước ngoài và thị trường trong nước là mối quan hệ hai chiều. Ta cần vốn và họ cũng cần thị trường để giải ngân.
Đối với giải pháp hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, công ty chứng khoán sẽ đánh giá tín nhiệm của họ và cung cấp dịch vụ. Tỉ lệ hạn mức không phải nhà đầu tư nước ngoài nào cũng là 100% do liên quan đến năng lực vốn. Muốn 100% phải chờ mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Trong đó, ngân hàng thương mại cần được công nhận là thành viên bù trừ tại thị trường cơ sở và quy định về quỹ phòng hộ.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/them-buoc-tien-trong-lo-trinh-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-1368935.ldo