Đơn vị được ông Thái đề cập là Công ty Cổ phần Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar).
Thuốc phóng xạ là sản phẩm của y học hạt nhân, chuyên ngành ứng dụng năng lượng nguyên tử thông qua sử dụng các đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu, đánh giá quá trình sinh bệnh và chuyển hóa của cơ thể nhằm phục vụ chẩn đoán, điều trị.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái khẳng định doanh nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực sản xuất thuốc – trang thiết bị y tế và là địa chỉ có truyền thống tiên phong nghiên cứu, ứng dụng, triển khai tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nhất là với thuốc điều trị bệnh ung thư như Bidiphar sẽ phù hợp hướng đi này.
Nhấn mạnh sản xuất dược phẩm là mũi nhọn lớn của Bình Định, ông Trần Hồng Thái nói: “Thuốc ung thư, thay thế sản phẩm ngoại nhập, chúng ta đã làm được, làm tốt. Hiện nay, năng lượng nguyên tử đã thành lựa chọn công nghệ hữu ích của nhiều lĩnh vực, bao gồm cả y tế. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tạo điều kiện hỗ trợ Bình Định tối đa. Chúng ta đang có lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt, công suất 0,5MW và đang đẩy nhanh quá trình xây dựng một lò phản ứng khác, công suất gấp 20 lần. Dự kiến đến 2032, Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 100 loại dược phẩm phóng xạ so với con số chưa tới 10 loại như bây giờ”.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ giao Vụ Năng lượng nguyên tử phối hợp cơ quan chức năng địa phương và Bidiphar “kết nối ngay” với Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, chuẩn bị nội dung cho việc lập kế hoạch chuyển giao, tiếp nhận, nghiên cứu, ứng dụng quy trình sản xuất thuốc phóng xạ.
Ông Thái hứa: “Ngay tuần tới, chúng tôi sẽ bàn cụ thể hơn với lãnh đạo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược”.
Theo Tổng Giám đốc Phạm Thị Thanh Hương, Bidiphar là một trong 5 doanh nghiệp sản xuất dược uy tín nhất Việt Nam (báo cáo đánh giá Vietnam Report 2023), top 2 dịch thận và dẫn đầu về thuốc ung thư trên thị phần cả nước. Công ty hiện có 300 sản phẩm, phân phối đến 20.000 nhà thuốc, 2.000 bệnh viện và xuất khẩu ra 10 quốc gia trên thế giới.
Những năm gần đây, Bidiphar chủ yếu tập trung cho sản xuất và kinh doanh sản phẩm của chính mình. Với hơn 1.200 lao động, công ty đạt doanh thu 1.900 tỉ đồng/năm, là một trong những doanh nghiệp có doanh số lớn của ngành dược Việt Nam.
Tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Thanh Hương kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để khoa học – công nghệ thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất, trong đó có sản xuất dược phẩm – vật tư, thiết bị y tế.
Bà Hương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng quy trình chọn lọc, nhân giống, trồng, thu hoạch, chiết xuất và chế biến sản phẩm thương mại một số cây dược liệu như an xoa, thìa canh, địa hoàng tại địa bàn xã An Toàn, huyện An Lão.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-giup-binh-dinh-lam-thuoc-phong-xa-1369223.ldo