Agribank là NHTM Nhà nước chủ lực đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang triển khai nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng, đặc biệt với khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Agribank đẩy mạnh đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu bổ sung vốn dài hạn |
Khai thác hiệu quả “cánh tay nối dài”
Với lợi thế là ngân hàng có mạng lưới rộng khắp trong cả nước, Agribank đã có nhiều hoạt động thiết thực, kết hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Việt Nam và nhiều tổ chức đoàn thể chính trị ở nông thôn để hợp tác cung ứng vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp.
Từ năm 2016, Agribank và Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện ký Thỏa thuận liên ngành nhằm thực hiện tốt Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị định 55) giúp cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay một cách nhanh nhất, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Hoạt động cho vay qua tổ vay vốn thông qua Hội Nông dân, trên toàn hệ thống Agribank đến 31/12/2023 đạt những kết quả khả quan. Hiện Agribank có 92 chi nhánh loại I triển khai phối hợp ký kết Thỏa thuận Hợp tác với các cấp Hội Nông dân, thành lập gần 25 ngàn tổ vay vốn tại các thôn, bản, ấp, xã, phường, thị trấn, với hơn 564 ngàn thành viên tổ vay vốn, dư nợ cho vay qua tổ vay vốn qua Hội Nông dân đạt 84.065 tỷ đồng, tăng 48.453 tỷ đồng so với năm 2016 và tăng 6.597 tỷ đồng so với 2022, dư nợ tăng trưởng bình quân trên 16%/năm; bình quân dư nợ/thành viên đạt 100 triệu đồng; bình quân dư nợ/tổ vay vốn đạt 2,4 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức dưới 0,5%.
Sự phối hợp giữa Agribank và Hội Nông dân giúp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình là hội viên Hội Nông dân Việt Nam vay vốn và sử dụng các dịch vụ tại Agribank để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần hạn chế nạn tín dụng đen trong xã hội. Thông qua tổ vay vốn, hội viên Hội Nông dân được tăng khả năng tiếp cận vốn vay, được ngân hàng cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm một cách thuận lợi và có hiệu quả, nhất là đối với các hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh ít có điều kiện đến giao dịch với ngân hàng. Thông qua đó đóng góp có hiệu quả trong việc phát huy vai trò của tín dụng ngân hàng trong thực hiện chính sách “Tam nông”, góp phần phát triển tài chính vi mô đối với hộ gia đình trong thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Hoạt động cho vay qua tổ vay vốn đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu về nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh. Việc phối hợp quản lý các khoản vay giữa cán bộ ngân hàng với các Tổ trưởng tổ vay vốn, giúp ngân hàng nắm bắt kịp thời các thông tin liên quan đến sự an toàn của khoản vay, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, hạn chế các rủi ro ảnh hưởng đến khoản vay. Sự tham gia của các Tổ trưởng vay vốn trong quá trình lập phương án, dự án vay vốn của các thành viên, công tác giải ngân, thu lãi, quản lý khoản vay đối với các thành viên tổ vay vốn đã góp phần giảm tải công việc cho cán bộ ngân hàng, tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Đó là cơ sở để Agribank giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Agribank tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng thông qua hợp tác liên ngành với Hội Nông dân |
Tạo mọi điều kiện để khách hàng tiếp cận vốn
Thời gian tới, Agribank tiếp tục kết hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội và các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nắm bắt nhu cầu vay vốn của khách hàng, tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi. Agribank đồng thời công khai, minh bạch chính sách, thủ tục hồ sơ, điều kiện cho vay trên cơ sở cải cách, đơn giảm thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Agribank tiếp tục triển khai cho vay theo mô hình liên kết, cho vay theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cung cấp dịch vụ thanh toán trong nông nghiệp, đặc biệt là với hàng hóa nông sản có giá trị xuất khẩu cao; tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh, thu mua và xuất khẩu hàng nông sản chủ lực.
Từ những kết quả đạt được trong phối hợp thực hiện thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân, Agribank đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công trong công tác phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế của hộ gia đình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Để hoạt động cho vay qua tổ vay vốn tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa, theo đại diện Agribank cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành. Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách khuyến khích người sản xuất và đơn vị cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong vùng sản xuất, vùng nguyên liệu hình thành chuỗi liên kết, chính sách tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước và nước ngoài, nhất là các chương trình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính… để tạo môi trường đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn có chất lượng, từ đó tạo điều kiện để Agribank đầu tư vốn tín dụng thông qua hoạt động của tổ vay vốn, tổ liên kết có hiệu quả hơn.
Hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật khuyến nông tại các địa phương cần được đẩy mạnh, từ đó giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; phổ biến kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, ứng dụng mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng kinh tế theo phân vùng, quy hoạch của nhà nước cho các cấp hội và thành viên tổ vay vốn để có định hướng tốt cho các phương án, dự án sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn, sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Hội Nông dân tiếp tục phối hợp với Agribank triển khai hoạt động của tổ vay vốn gắn với mô hình ngân hàng số, thực hiện các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ vay vốn; chấp hành nghiêm túc quy định về hoạt động của tổ vay vốn, hạn chế rủi ro tín dụng; tăng cường công tác kiểm tra giám sát của ngân hàng đối với hoạt động của các tổ vay vốn.
Cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức Hội các cấp nói chung và Hội Nông dân Việt Nam nói riêng tiếp tục ủng hộ và phối hợp có hiệu quả với Agribank trong thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội địa phương để phát huy vai trò của tín dụng ngân hàng đối với phát triển tài chính vi mô cho khách hàng hộ sản xuất và cá nhân trong thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh việc chủ động và tích cực đẩy mạnh hoạt động cho vay qua tổ vay vốn, Agribank đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng thông qua mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, chương trình đề án thẻ và các chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng cho khách hàng khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn… Agribank chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách và 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích với nhiều kênh phân phối đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tỷ trọng cho vay tam nông của Agribank trong những năm qua luôn chiếm 65-70% dư nợ nền kinh tế của Agribank và chiếm 1/3 tín dụng lĩnh vực tam nông của cả nước.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/phat-huy-loi-the-tang-kha-nang-tiep-can-von-cho-khach-hang-153614.html