Trong năm 2023, Việt Nam chỉ huy động được hơn 7 triệu USD qua IPO, bằng số lẻ so với giá trị IPO của Indonesia, do vắng bóng doanh nghiệp lên sàn, thiếu hàng hóa chất lượng, không thu hút được các nhà đầu tư tổ chức lớn.
Tại buổi đối thoại tháng 7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”, do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức, các chuyên gia đều thừa nhận thị trường chứng khoán Việt Nam như “quán ăn”, đồ ăn thiếu, phục vụ không tốt… nên nhà đầu tư sẽ tới nơi khác.
Quá ít nhà đầu tư tổ chức
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Đức Chi – thứ trưởng Bộ Tài chính – cho rằng thị trường chứng khoán chất lượng cao, phát triển bền vững, nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỉ trọng lớn. Trong khi đó, dù số lượng tài khoản chứng khoán đạt mốc 8 triệu, nhưng tỉ lệ nhà đầu tư tổ chức tại thị trường chứng khoán Việt Nam rất khiêm tốn.
“Không cần quá nhiều lượng tài khoản, dù chỉ có 6 triệu tài khoản nhưng chiếm 50% là nhà đầu tư tổ chức sẽ hợp lý”, ông Chi nói và cho rằng chỉ khi nào nhà đầu tư Việt Nam thay đổi nhận thức, đầu tư qua các tổ chức chuyên nghiệp thay vì “tự quản tài sản, tự đầu tư chứng khoán” mới có thể tăng nhà đầu tư tổ chức.
Bà Vũ Thị Chân Phương, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cũng cho biết tại các thị trường phát triển, tỉ lệ nhà đầu tư tổ chức ở mức 50-60%. Trong khi tại Việt Nam, cá nhân chiếm tỉ trọng trên 90%, đầu tư còn theo tâm lý. “Nhiều lúc thị trường lên xuống không hiểu vì sao, cuối cùng chủ yếu vẫn do vấn đề tâm lý, thiếu ổn định”, bà Phương nói.
Theo bà Phương, thị trường Việt Nam như “người mặc áo chật”, cần bước lên bước tiến mới. “Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ sớm công bố dự thảo lấy ý kiến lần cuối cho việc sửa đổi 4 thông tư liên quan thị trường chứng khoán với nhiều điểm mới mang tính tháo gỡ cho thị trường được phía cơ quan quản lý đề xuất sau khi lấy ý kiến, tiếp thu các bên có liên quan”, bà Phương nói.
“Cần phải cởi bỏ những điều kiện quá chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi hơn để nhà đầu tư tổ chức tham gia vào thị trường chứng khoán nhiều hơn”, ông Chi nói và cho biết Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện, mở ra hoạt động cho các dạng quỹ đầu tư. Chẳng hạn, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã lấy ý kiến về việc nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100% nhằm hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán.
Chất lượng hàng hóa chưa được cải thiện
Phải nâng hạng để thị trường có cơ hội đón dòng vốn ngoại. Nhưng sau khi vào rồi, nhà đầu tư mua gì nếu thị trường không có hàng hóa tốt? Để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các chuyên gia đều cho rằng cần cải thiện chất lượng hàng hóa.
Ông Nguyễn Sơn – chủ tịch Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) – thừa nhận thị trường chứng khoán không có nhiều cái mới, đặc biệt là hàng hóa. “Khâu chào bán ra công chúng hạn chế, thiếu các doanh nghiệp, tập đoàn mới sáng sủa…”, ông Sơn nói.
Trong khi dư địa từ việc bán vốn, cổ phần hóa DNNN rất lớn, ông Lê Thanh Tuấn, phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cho biết các nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài muốn tham gia mua bán cổ phần nhà nước không dễ.
“Nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài muốn thực hiện giao dịch theo phương thức thỏa thuận trong khi việc thoái vốn, cổ phần hóa DNNN phải thực hiện thông qua đấu giá, công bố thông tin theo quy định…”, ông Tuấn nói.
Theo ông Bùi Hoàng Hải, phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, thanh khoản thị trường cổ phiếu của Việt Nam cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. “Tuy nhiên, giống như quán ăn, nếu đồ ăn thiếu, phục vụ không tốt, nhà đầu tư sẽ tới nơi khác”, ông Hải nói và cho rằng phải sớm gỡ pre-funding và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng.
Dẫn thông tin chỉ có khoảng 3 cổ phiếu Việt Nam trong rổ MCSI vào năm 2017, chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng chứng khoán Việt Nam đang rất thiếu hàng hóa. Tuy nhiên, nâng hạng rồi vẫn có thể “rớt hạng”. “Chúng ta rất cố gắng để vào, nhưng quan trọng là đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam”, ông Linh nói.
Thị trường thiếu yếu tố mới
Cũng tại buổi đối thoại, ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, cho biết 4 năm vừa qua khối ngoại đã bán ròng 4 tỉ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, tính riêng nửa đầu năm nay đã khoảng 2 tỉ USD.
Ngoài những yếu tố khách quan như việc tăng lãi suất của Mỹ, ông Dominic Scriven cho rằng thị trường Việt Nam không có nhiều yếu tố mới và thú vị để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại.
Việc thị trường Việt Nam chưa được nâng hạng cũng có tác động tới quyết định của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chưa kể hai năm gần đây có một số việc xảy ra ảnh hưởng đến nhận thức của họ về rủi ro.
Nguồn: https://tuoitre.vn/them-hang-chat-luong-chung-khoan-moi-hap-dan-20240720084436306.htm