Đức đang tìm cách đảm bảo nguồn lithium cho các nhà sản xuất xe điện trong bối cảnh EU nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic rời đi sau cuộc họp báo tại Belgrade, Serbia, ngày 19/7. (Nguồn: AP) |
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ca ngợi thỏa thuận tạm thời ký ngày 19/7 giữa Liên minh châu Âu (EU) và Serbia, mở đường cho việc khai thác Lithium.
Đây là một dự án lớn có thể làm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào Trung Quốc nhưng lại bị các nhà bảo vệ môi trường và các nhóm đối lập chỉ trích gay gắt.
Ông Scholz đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh về nguyên liệu thô quan trọng tại thủ đô của Serbia, nơi một bản ghi nhớ giữa EU và Serbia về quan hệ đối tác chiến lược về nguyên liệu thô bền vững, chuỗi cung ứng pin và xe điện đã được ký kết.
Phát biểu sau lễ ký, nhà lãnh đạo Đức nói: “Đây là một dự án quan trọng của châu Âu”, đồng thời khẳng định: “Lục địa này cần duy trì chủ quyền trong một thế giới đang thay đổi và không phụ thuộc vào người khác, đó là lý do tại sao cần khám phá các nguồn nguyên liệu thô mới”.
Đức, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, đang tìm cách đảm bảo nguồn lithium cho các nhà sản xuất xe điện trong bối cảnh khối 27 quốc gia thành vien nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ quốc gia Đông Bắc Á. Lithium là chất quan trọng trong sản xuất pin cho các loại xe điện.
Về phần mình, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết, việc khai thác lithium sẽ chỉ được tiến hành nếu các nhà sản xuất ô tô, các hãng chế tạo pin ở Đức và một số nước EU khác xây dựng nhà máy ở quốc gia Tây Balkan, thay vì trực tiếp xuất khẩu nguyên liệu thô sang các nước đó.
Ông Vucic nói: “Ngày nay, tôi tràn đầy hy vọng cho đất nước. Đây sẽ là một bước ngoặt, một sự thay đổi lớn và một bước nhảy vọt về tương lai của Serbia”.
Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic, người chính thức tham gia ký thỏa thuận ghi nhớ nhân danh EU cho biết: “Tôi thực sự tin rằng chúng tôi đang tạo ra cơ hội lịch sử cho Serbia và EU”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/duc-tu-tin-giam-phu-thuoc-vao-lithium-trung-quoc-sau-khi-lam-dieu-nay-voi-serbia-279395.html