Việt Nam hiện có 40 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Tổng số tín đồ các tôn giáo hiện nay khoảng 26,5 triệu, chiếm 27% dân số; hơn 54.000 chức sắc; hơn 135.000 chức việc; hơn 29.000 cơ sở thờ tự; hàng nghìn điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”. (Ảnh: Vinh Hà) |
Là quốc gia với đời sống tín ngưỡng tôn giáo phong phú, Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm không ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm và các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Tín ngưỡng và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật. Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.
Đáng chú ý, hoạt động đối ngoại của các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện, góp phần khẳng định chủ trương, chính sách bảo đảm quyền tự do tôn giáo của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Trong năm 2023, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ có hơn 300 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia hội nghị, hội thảo, các khoá đào tạo ở nước ngoài, gần 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo.
Trong các thành tựu về bảo đảm quyền con người tại Việt Nam được quốc tế đánh giá tích cực đều có dấu ấn không nhỏ các thành tựu về tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng. Điều này thể hiện rõ tại phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ) vào tháng Năm khi nhiều nước ghi nhận và đánh giá cao chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam.
Các nội dung được nhiều nước hoan nghênh, đánh giá cao là việc Việt Nam hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người, nhất là xây dựng các chương trình quốc gia và đạt nhiều thành tựu về giảm nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện phúc lợi xã hội, bảo đảm quyền giáo dục, quyền các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là quyền của người dân tộc thiểu số.
Đáng tiếc là, bất chấp nhiều thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo tín ngưỡng, Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế năm 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan, dựa trên thông tin thiếu kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.
Trả lời vấn đề này tại buổi họp báo thường kỳ ngày 4/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau về những vấn đề còn khác biệt, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Người phương Tây thường nói “The truth is still the truth” (Sự thật vẫn là sự thật), đã đến lúc phía Mỹ cần có những đánh giá khách quan, dựa trên các nguồn thông tin chính xác và toàn diện để thấy được bức tranh toàn cảnh về tình hình nhân quyền, đặc biệt là về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tại Việt Nam.
Trong đó, khó có thể phủ nhận sự quan tâm sâu sắc, những nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chăm lo cho đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc, mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tu-do-ton-giao-tin-nguong-tai-viet-nam-da-den-luc-phai-danh-gia-khach-quan-279172.html