Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào sáng 11/7, Chủ tịch nước Tô Lâm công bố món quà của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em là 20 ô tô điện VinFast, để hỗ trợ Lào tổ chức thành công các hoạt động quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2024. (Ảnh: DT)
Vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Lào Saleumxay Kommasith đã trả lời họp báo về AMM 57 và các hội nghị liên quan tới đây, cho thấy một bầu không khí sôi nổi chuẩn bị cho kỳ AMM. Đại sứ cảm nhận như thế nào về tầm quan trọng của kỳ hội nghị và bầu không khí đó tại Lào?
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 (AMM 57) diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực đang có những biến động phức tạp, khó lường. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp tục là trọng tâm cạnh tranh địa chính trị và chiến lược giữa các nước lớn; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, ít khả năng suy thoái nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; các điểm nóng xung đột trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn bất ngờ leo thang như cuộc xung đột Israel-Palestine, gây quan ngại lớn cho cộng đồng quốc tế; hợp tác nội khối trên các trụ cột tiếp tục được tăng cường, nhưng các điểm nóng tại khu vực như Biển Đông, tình hình Myanmar vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến hòa bình, ổn định khu vực…
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng. (Ảnh: ĐSQ)
Tôi cho rằng tất cả những vấn đề đó sẽ được đưa vào chương trình nghị sự, các cuộc trao đổi của Hội nghị AMM 57 và các Hội nghị liên quan. Chính vì vậy, theo tôi, Hội nghị AMM 57 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là bước chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 cũng như các hội nghị cấp cao liên quan sẽ diễn ra trong tháng 10 sắp tới.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy và trong bối cảnh thế giới, khu vực đầy biến động đó, công tác chuẩn bị đã được nước chủ nhà Lào chuẩn bị từ rất sớm, bên cạnh việc lập các tiểu ban, đã tích cực phối hợp với các nước trong khu vực và đối tác chuẩn bị kỹ về chương trình, nội dung, công tác đảm bảo an ninh, lễ tân, hậu cần cho các Bộ trưởng và Đoàn đại biểu của hơn 34 nước tham dự hội nghị.
Đến Vientiane vào những ngày này, mọi người có thể cảm nhận được bầu không khí sôi nổi, khẩn trương của nước bạn Lào trong công tác chuẩn bị cho Hội nghị AMM 57 và các Hội nghị liên quan, các tuyến phố chính được chỉnh trang, nhiều tòa nhà, khách sạn mới được hoàn thiện, công tác diễn tập điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự cũng được nước bạn Lào hết sức quan tâm triển khai… với quyết tâm đảm bảo cho năm ASEAN thành công và ấn tượng.
Có thể nói “đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị của Lào đạt tiến độ tốt về mọi mặt và Lào đã sẵn sàng cho Hội nghị AMM 57 và các hội nghị liên quan khác diễn ra”, đúng như phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith tại họp báo về AMM 57 và các hội nghị liên quan mới đây.
Xin Đại sứ đánh giá những nỗ lực của Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2024 với chủ đề “Tăng cường kết nối và tự cường ASEAN”?
Như các bạn đã biết, kể từ gia nhập ASEAN năm 1997, Lào đã hai lần đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong các năm 2004 và 2016 và luôn nỗ lực để hoàn thành tốt trọng trách của mình.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2024 lần này, tôi đánh giá cao mục tiêu của Lào nhằm tập trung củng cố Cộng đồng ASEAN, tăng cường kết nối và năng lực tự cường của ASEAN để nắm bắt cơ hội, giải quyết các thách thức và những thay đổi về địa chính trị, địa kinh tế.
Đặc biệt, với chủ đề Lào chọn rất phù hợp với tình hình Lào cũng như tình hình khu vực và thế giới hiện nay. “Kết nối” không chỉ phù hợp với Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN mà Hiệp hội đang triển khai nói chung, mà còn góp phần thực hiện hóa chiến lược của Đảng, Chính phủ Lào trong việc biến nước này từ một quốc gia không có biển thành quốc gia kết nối khu vực nói riêng.
Tuy nhiên, tình hình năm 2024 sẽ rất khác và với nhiều thách thức hơn so với hai lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN trước. Đối mặt với các thách thức hiện tại trong khu vực và trên thế giới, Lào sẽ cần nỗ lực rất lớn để cân bằng và duy trì vai trò trung tâm, sự thống nhất của ASEAN cũng như duy trì sự đoàn kết của các thành viên trong khối để duy trì một ASEAN tự cường trong bối cảnh các cuộc cạnh tranh địa chính trị và địa kinh tế đang diễn ra gay gắt, tình hình Myanmar, vấn đề Biển Đông… vẫn đang là những điểm nóng của khu vực.
Để đạt được mục tiêu đã đặt ra, Lào đã và đang cùng các nước thành viên đẩy mạnh hợp tác trong cả 3 trụ cột của Cộng đồng, nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng, hội nhập kinh tế và giao lưu nhân dân, đồng thời tăng cường quan hệ với các đối tác. Bên cạnh đó, Lào xác định chỉ có gắn kết, tăng cường hợp tác giữa các thành viên ASEAN và các nước đối tác, đối thoại mới có thể giải quyết được những thách thức hiện tại và mới nổi một cách hiệu quả.
Khó khăn và thách thức là vậy, nhưng tôi tin tưởng rằng với những kinh nghiệm có được trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN các năm 2004 và 2016 cùng với sự hỗ trợ của các đối tác, các nước trong khu vực, Lào sẽ tiếp tục đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2024, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển ổn định, bền vững và tăng trưởng của khu vực. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác, đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith nhân dịp tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Luang Prabang, Lào, ngày 28/1. (Nguồn: VGP)
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào vừa kết thúc, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực phối hợp và ủng hộ Lào đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế trong năm 2024, trong đó có vai trò Chủ tịch ASEAN 2024. Sự phối hợp và ủng hộ của Việt Nam được thể hiện trên những khía cạnh nào, thưa Đại sứ?
Trên cơ sở mối quan hệ đặc biệt, hai nước Việt Nam-Lào đã có truyền thống phối hợp chặt chẽ với nhau, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực từ lâu đời. Đối với năm ASEAN 2024, ngay sau khi CHDCND Lào chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch luân phiên lần này, tại các cuộc hội đàm, gặp gỡ, tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt, mới đây nhất, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới CHDCND Lào của Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 11-12/7 vừa qua, hai bên đã tái khẳng định sẽ tiếp tục truyền thống tốt đẹp này, trong đó Việt Nam sẽ phối hợp, hỗ trợ tối đa trong khả năng của mình để Lào đảm nhiệm thành công vai trò Năm Chủ tịch ASEAN 2024. Sự phối hợp, ủng hộ này, theo tôi, có thể được thể hiện trên một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia có trách nhiệm tại các Hội nghị ASEAN, nỗ lực cùng với Lào và các nước tìm tiếng nói chung, sự đồng thuận của ASEAN đối với những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Thứ hai, các cơ quan liên quan hai nước đã và đang tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị, tổ chức các Hội nghị trong năm ASEAN 2024.
Thứ ba, phát huy truyền thống chia ngọt sẻ bùi, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, Việt Nam đã có những hỗ trợ kịp thời và thiết thực để góp phần hỗ trợ bạn Lào chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào, theo đó: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào 1 triệu USD và 20 xe ô tô điện Vinfast; Bộ Công an Việt Nam cũng đã tặng Bộ Công an Lào 20 xe ô tô và 30 mô-tô.
Dưới sự điều phối của nước chủ nhà Lào cùng với sự tham gia, đóng góp, hỗ trợ tích cực của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, tôi tin tưởng rằng CHDCND Lào sẽ đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024.
Cách trung tâm cố đô Luang Prabang chỉ 30km, thác Kuang Si là điểm đến không thể bỏ qua khi ghé thăm đất nước Lào. (Nguồn: Getty Images)
Chủ tịch ASEAN 2024 cũng là Năm Du lịch Lào 2024, do đó, theo Đại sứ, có thể tương tác như thế nào để hiện thực hóa chương trình nghị sự cũng như kế hoạch mà Lào hướng tới?
Cùng với việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Chính phủ Lào quyết định lấy năm 2024 là Năm du lịch Lào. Thông qua các Hội nghị trong khuôn khổ năm ASEAN được tổ chức chủ yếu ở thủ đô Vientiane, thành phố Luang Prabang – di sản thế giới và các hoạt động trong Năm du lịch Lào 2024, Lào coi đây là dịp tốt để quảng bá chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, hình ảnh về đất nước, con người Lào đến bạn bè quốc tế, nhằm thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và giúp nâng cao vị thế của Lào trên các diễn đàn khu vực và thế giới.
Với mục tiêu đó, Lào đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững năm 2024 thông qua nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch văn hoá, du lịch môi trường, du lịch nông thôn, lịch sử… mục tiêu thu hút 4,6 triệu lượt khách trong năm 2024, tạo thêm việc làm cho xã hội và tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương trên phương diện kinh tế – xã hội. Điều này cũng phù hợp với chiến lược phát triển ngành du lịch trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn có sự phát triển bứt phá, giúp vực dậy nền kinh tế và mang lại nguồn thu lớn giúp Lào vượt qua những thách thức về kinh tế.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Baoquocte.vn
Nguồn:https://baoquocte.vn/viet-nam-se-phoi-hop-ho-tro-toi-da-trong-kha-nang-de-lao-dam-nhiem-thanh-cong-nam-chu-tich-asean-2024-279351.html