Nông dân Nguyễn Nghĩa Dũng, thôn Pang Pế Nâm, xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông hiện đang có 7 ha sầu riêng. Diện tích sầu riêng được trồng nhiều đợt khác nhau, đợt đầu gồm 4 ha đã trồng được 11 năm, vào năm 2013-2014. Trước đó, ông là nông hộ chuyên canh cây có múi gồm cam, quýt, bưởi, những giống cây ăn trái cũng cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi, ông Dũng đã chuyển hướng sang chặt bớt cam, quýt, trồng sầu riêng thay thế. Diện tích còn lại, ông duy trì trồng cà phê và một số loại cây ăn trái thử nghiệm.
Ông Nguyễn Nghĩa Dũng chia sẻ: “Là nông dân, chúng tôi xác định phải canh tác những cây trồng cho năng suất cao, giá trị kinh tế lớn. Như gia đình tôi đã nhận thấy đất Đạ Rsal rất hợp với cây sầu riêng và đã nhanh chóng chuyển đổi bớt diện tích cam, quýt già cỗi, nhiều bệnh sang trồng sầu riêng”.
Ngay từ ban đầu, khi xuống giống sầu riêng, ông Nguyễn Nghĩa Dũng đã xác định trồng với quy mô lớn, canh tác vườn thuần để có những vụ mùa cho trái đồng loạt. Theo ông, vườn có quy mô càng lớn, năng suất càng cao, nông dân càng dễ trong việc chăm sóc cũng như tiêu thụ. Và, ông đã chọn giống chuẩn, đó là giống sầu riêng Thái Monthoong cơm vàng hạt lép.
Ngay từ khi sầu riêng có trái, khi chưa có Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ông Dũng đã canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Trồng cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, có thể hơi mất công cập nhật, theo dõi nhật ký đồng ruộng, phải ghi chép cẩn thận giống, phân bón, thuốc men… nhưng bù lại, chi phí giảm và cây sầu riêng khỏe, bộ rễ rất tốt. Gia đình tôi tuân thủ nghiêm túc quy trình canh tác VietGAP theo quy định của ngành Nông nghiệp, vì vậy khi xây dựng mã số vùng trồng rất thuận lợi, gần như không phải thay đổi quy trình canh tác nhiều”, ông Dũng nhận xét.
Theo ông Dũng, quy trình canh tác VietVAP trên cây sầu riêng cũng gần như các quy định trong Nghị định thư xuất khẩu trái sầu riêng tươi. Đặc biệt, khi canh tác VietGAP, đất trong vườn sầu riêng an toàn, có hệ vi sinh vật có lợi phong phú, giúp hạn chế sâu bệnh. Các quy định như không sử dụng thuốc diệt cỏ, không phun thuốc ngoài danh mục…, ông Dũng tuân thủ từ lâu, giúp hệ sinh thái trong vườn an toàn. Canh tác VietGAP tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân đáp ứng được yêu cầu canh tác sầu riêng xuất khẩu.
Vụ sầu riêng 2024, gia đình ông Nguyễn Nghĩa Dũng có 4 ha sầu riêng cho trái, ước thu được 100 tấn. Số trái này đã được doanh nghiệp đặt cọc, sẽ thu hoạch phục vụ xuất khẩu vì vườn đã được cấp mã số vùng trồng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Dũng cho biết, ông xây dựng mã số vùng trồng với doanh nghiệp và đáp ứng rất nhanh do có sẵn quy trình canh tác VietGAP từ nhiều năm nay.
Được biết, ông Dũng đã chốt bán vườn sầu riêng với giá 81 ngàn đồng/kg, ước tính thu được 8 tỷ đồng. Và từ những năm sau, khi các diện tích sầu riêng lần lượt bước vào giai đoạn thu hoạch bền vững, sản lượng sẽ tăng dần lên, thu nhập của gia đình cũng sẽ tăng cao.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nghĩa Dũng vẫn sẽ duy trì diện tích cà phê bên cạnh diện tích sầu riêng. Theo ông, đa dạng hóa cây trồng giúp người nông dân an toàn hơn, giảm tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào một loại cây trồng. Và, ông sẽ tiếp tục trồng lại cây có múi như cam, quýt, bưởi vì theo ông, vùng Đạ Rsal rất hợp với cây có múi. Thị trường dành cho cây có múi cũng rất rộng và có nhu cầu lớn. Và tất nhiên, dù canh tác sầu riêng, cà phê hay cây có múi, ông Dũng vẫn thực hiện quy trình canh tác VietGAP, đảm bảo chất lượng trái cũng như giữ môi trường bền vững.
Không chỉ trồng cây sầu riêng, cây cà phê, gia đình ông Nguyễn Nghĩa Dũng còn mở địa điểm thu mua, thu mua hết những diện tích sầu riêng nhỏ lẻ của bà con trong thôn, trong xã. Ông còn cung ứng giống cây trồng chất lượng cao cũng như sẵn sàng tư vấn cho bà con về kỹ thuật chăm sóc cây trồng với mục tiêu bà con cùng vươn lên.
Ông Nguyễn Viết Sương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Rsal đánh giá, ông Nguyễn Nghĩa Dũng là nông dân sản xuất giỏi, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông cũng là người sẵn sàng áp dụng kiến thức mới, canh tác nông nghiệp hiện đại, an toàn, thân thiện với môi trường.
Hiện, gia đình ông Dũng và một số hộ dân trồng sầu riêng đã được Hội Nông dân xã và Phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông hỗ trợ tập huấn, cấp giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP và hướng tới đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương. Diện tích sầu riêng của gia đình ông Dũng cũng đã được cấp mã số vùng trồng, là nơi học tập kinh nghiệm của nhiều nông hộ trong vùng, cùng nhau xây dựng vùng cây ăn trái xuất khẩu bền vững.
Nguồn: https://danviet.vn/nhanh-tay-chuyen-huong-trong-sau-rieng-vietgap-lao-nong-lam-dong-duoc-doanh-nghiep-dat-coc-doanh-thu-8-ty-dong-20240719144045229.htm