Cả bệnh viện chỉ còn 3 máy chụp CT vì 2 cái đang hỏng, 2 tháng nữa mới sửa xong. Thậm chí vì thiếu giường, giám đốc bệnh viện phải đi xin và kết quả là giường không đều, cái cao cái thấp…
Nhưng vấn đề nghịch lý là bệnh viện này không thiếu tiền, có đến 1.300 tỉ đồng dành để “phát triển sự nghiệp” và tiền này cũng không gửi ngân hàng lấy lãi được mà cứ phải cất két, nhưng muốn mua sắm thì các quy định cũ cứ “bó”, không mua được.
Giờ đây sau khi có nghị định 24 và sau đó là thông tư hướng dẫn, bệnh viện đang mua, nhưng phải năm 2025 mới có thể đủ máy móc sử dụng cho người bệnh, không còn phải chia ca.
Máy móc như vậy, thuốc men, vật tư y tế cũng không khá hơn, nghị định, thông tư có đủ, nhưng có lý nào mà người bệnh và người nhà phải đi mua từ loại vật tư giá 90.000 đồng, vừa phải mua vừa phải hỏi cỡ bao nhiêu là vừa vì sợ không vừa phải đem đổi lại?
Nhưng nhìn lại thì từ tháng 3-2024, ngay sau khi có nghị định 24 hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu, tại Hội nghị CLB giám đốc bệnh viện khu vực phía Bắc tổ chức tại Quảng Ninh, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đó cho rằng đã có đủ hành lang pháp lý cho đấu thầu mua sắm.
Ngay cả những điểm bị cho là nghẽn, làm khó bệnh viện như mua sắm mặt hàng độc quyền, mặt hàng nhiều mức giá… đều đã có hướng dẫn để xử lý. Những người làm luật dường như cũng “nghe” được những vướng víu riêng của lĩnh vực y tế và có hướng để xử lý.
Và Bộ Y tế đã “nhanh chân” mời ngay thành viên tổ biên tập Luật Đấu thầu về làm việc tại bộ, để xử lý những vướng mắc về đấu thầu.
Thế nhưng đến giờ là tháng 7-2024, vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư vẫn được đặt ra, dù người ta gọi đó là thiếu “cục bộ”. Nhưng dù thiếu “cục bộ” hay toàn bộ thì thực tế thiếu thuốc, thiếu vật tư ở nhiều nơi vẫn đang xảy ra.
Có nơi đó là do bệnh viện bỏ giá thấp nên trượt thầu, phải làm lại từ đầu. Có nơi do đợi quy định mới về đấu thầu (mới ban hành từ cuối tháng 2 và cuối tháng 4 vừa qua), nên cần phải đợi chờ…
Nhưng có một điều chắc chắn là những thiếu thốn hiện nay không phải là do pháp lý, bởi văn bản, chính sách để mua sắm thuốc men, vật tư cho bệnh viện đã có đủ từ lâu.
Tình trạng thiếu thốn này đã có chuyên gia chỉ ra là do bệnh viện chưa nghiên cứu kỹ và áp dụng những quy định mới, đã có để xử lý những điểm đặc thù trong đấu thầu hàng hóa y tế, và cũng bởi các bệnh viện chưa dám làm, vẫn lo ngại trách nhiệm.
Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra là tại sao có bệnh viện khơi thông được câu chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế?
Đó chỉ có thể là do họ có sự “chòi đạp” nghiên cứu đưa luật vào cuộc sống, chỉ có thể là đặt mình vào vị trí người bệnh với mong muốn cung cấp dịch vụ y tế một cách trọn vẹn nhất.
Ngày 18-7, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các tỉnh thành, một lần nữa nhấn mạnh yếu tố “người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu thiếu thuốc, vật tư y tế”. Thực tế thuốc, vật tư y tế đã bị thiếu từ cuối 2022, đến nay đã hơn 2 năm.
Những băn khoăn của giám đốc bệnh viện về việc quy định không khả thi, khó khăn khi mua sắm đã được “gỡ”, và nếu có gì cần gỡ thêm thì có thể kiến nghị thêm, nhưng chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế lại chưa gỡ được hoàn toàn, thiếu vẫn hoàn thiếu.
Các giám đốc bệnh viện, giờ là lúc phải làm vì người bệnh, vì chất lượng dịch vụ, vì trên thị trường thuốc, vật tư ấy có, bệnh viện tư có mà bệnh viện công không mua được, đó là yếu kém của… ông giám đốc. Giờ Bộ Y tế đã nói thẳng ra rồi, việc của ông giám đốc là làm thôi, đừng kêu nữa!
Nguồn: https://tuoitre.vn/thieu-thuoc-hay-thieu-trach-nhiem-20240719095159091.htm