Đó là kết quả được phân tích, đánh giá tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của toàn ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.
Thực hiện kịp thời các chính sách xã hội
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: Tống Giáp).
Hội nghị diễn ra chiều 18/7, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Tại đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định, những kết quả đạt được trong 6 tháng qua của ngành là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, cần cải thiện một số vấn đề còn tồn tại như: tình trạng thiếu việc làm, việc làm không bền vững, nhảy việc; giải ngân đầu tư công còn chậm; tình trạng trẻ em đuối nước, tai nạn thương tích không giảm; tình trạng mất trật tự, an toàn, đặc biệt tai nạn lao động gia tăng và có nhiều vụ việc nghiêm trọng.
“Trong tháng an toàn lao động, tình trạng mất an toàn lại không giảm, tỷ lệ thương vong nhiều. Đời sống nhân dân một bộ phận còn khó khăn. Chuyển đổi số, cải cách hành chính toàn ngành còn chậm và còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc ở một số địa phương”, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận.
Về các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo toàn ngành tập trung tham mưu hoàn thiện các chính sách, đặc biệt lĩnh vực việc làm phải xong cơ bản để trình Quốc hội. Bộ trưởng muốn các địa phương tham mưu nhiều hơn cho cấp ủy chính quyền ban hành các chính sách đặc thù.
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Tiến Thành).
Ngoài ra, người đứng đầu ngành chỉ đạo cần thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, đặc biệt các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, hưu trí.
Bộ trưởng cũng lưu ý tập trung cho giáo dục nghề nghiệp, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng, đặc biệt nhân lực chất lượng cao cho một số lĩnh vực mới nổi như ngành công nghiệp bán dẫn…
Bộ trưởng yêu cầu phát triển nhanh sàn giao dịch việc làm, phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm mới, tăng cường đối thoại chính sách, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển, tiến bộ.
6 tháng đầu năm, ngành LĐ-TB&XH đã làm tốt công tác chăm sóc, điều dưỡng người có công và các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Theo đó, hơn 1 triệu người đã được chi trả trợ cấp, với kinh phí khoảng 16.000 tỷ đồng. Bộ đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới 239 bằng Tổ quốc ghi công, cấp lại 4.651 bằng, cấp trích lục 86 hồ sơ liệt sỹ, tra cứu hơn 5.500 bộ hồ sơ.
Bộ trưởng chỉ đạo, thời gian tới cần phát động xây dựng quỹ xóa nhà tạm, nhà dột nát; hình thành ngân hàng gen liệt sỹ chưa xác định được thông tin và thân nhân trực tiếp, đồng bộ với cơ sở dữ liệu về dân cư.
“Việc hình thành ngân hàng gen của liệt sỹ và thân nhân chưa xác định được thông tin để khi có điều kiện sẽ đối chiếu dần. Đây là cơ sở để giải quyết căn cơ vấn đề xác định danh tính liệt sĩ, giúp xoa dịu nỗi day dứt của thân nhân”, Bộ trưởng phân tích.
Trên 51 triệu người có việc làm
Báo cáo sơ kết cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết, xử lý các vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; đã trình 9 Đề án (2 Luật và 7 Nghị định).
Bộ LĐ-TB&XH kiên quyết, kiên trì, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào (Ảnh: Tống Giáp)
Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ, sự nỗ lực của đơn vị tham mưu, ngành lao động đã hoàn thành, trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, với tỷ lệ tán thành rất cao; tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tính chung 6 tháng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên cả nước là 52,5 triệu người, tăng 196.600 người so với cùng kỳ; lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195.700 người so với cùng kỳ; hơn 78.000 người đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, đạt 62,91% kế hoạch.
Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Ước đến hết tháng 6, số người tham gia BHXH đạt khoảng 18,3 triệu, chiếm 39,05%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 14,2 triệu, tăng 1,67% so với cùng kỳ 2023.
Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024, quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7.
Bộ cũng tăng cường hiệu quả công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh năm 2024, phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề chất lượng cao; tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bộ LĐ-TB&XH cũng thực hiện tốt chính sách trợ giúp hằng tháng cho 3,8 triệu người, kinh phí ước tính 14.000 tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 16.345 tấn gạo cho 187.864 lượt hộ với trên 1 triệu nhân khẩu tại 22 tỉnh.
Nỗ lực hoàn thành các mục tiêu năm 2024
Lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH các địa phương trong cả nước dự hội nghị (Ảnh: Tống Giáp).
Những tháng cuối năm, Bộ LĐ-TB&XH xác định, toàn ngành cần tiếp tục nỗ lực, thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; triển khai nhanh, hiệu quả, đồng bộ các chính sách, giải pháp đã ban hành nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.
Bộ LĐ-TB&XH kiên quyết, kiên trì, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào.
Bộ LĐ-TB&XH cũng như sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố sẽ cụ thể hóa, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH (sửa đổi); tập trung triển khai thực hiện, hoàn thành các đề án, nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ; rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, đề án về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội;
Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; tập trung cho công tác tuyển sinh, đẩy mạnh đào tạo; thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”;
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững; thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em; chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới; hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật, chương trình, đề án về cai nghiện ma túy; phòng, chống mại dâm; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán;
Nỗ lực thực hiện hiệu quả Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; chủ động, tích cực mở rộng quan hệ đối tác, hợp tác quốc tế; tiếp tục triển khai các kế hoạch thực hiện các công ước của Liên hợp quốc và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia trong lĩnh vực lao động và xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đã cam kết theo nghĩa vụ thành viên ASEAN, đặc biệt là những sáng kiến do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì;
Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tài chính – ngân sách…; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công việc, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/dong-loat-tang-luong-ap-dung-che-do-moi-hang-chuc-trieu-nguoi-huong-loi-20240718175705737.htm