Đã có những lo ngại vì điều này gia tăng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Thạc sĩ Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, nói hiện TP đang định hướng khuyến sinh nhưng cân nhắc thận trọng và phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Vượt mốc 30 tuổi
* TP.HCM đang có mức sinh thấp, ông nhìn nhận thế nào về xu hướng người trẻ TP ngại kết hôn và sinh con hiện nay?
– 30,4 là độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP.HCM là số liệu mà Cục Thống kê ghi nhận năm 2023, vượt mốc 30 tuổi. Số liệu này có xu hướng tăng liên tục từ 2019 – 2022, bình quân mỗi năm tăng 0,7 tuổi. Cụ thể là 27,5 – 28 – 29 – 29,8 tuổi tương ứng với các năm 2019 – 2020 – 2021 – 2022.
Cùng với ngại kết hôn, xu hướng ngại sinh con cũng đang dần trở nên phổ biến. Năm 2023, mức sinh đã giảm đáng kể so với 10 năm trước. Tổng tỉ suất sinh năm 2023 khoảng 1,32 con/phụ nữ, trong khi năm 2013 là 1,68 con/phụ nữ.
Điều này cho thấy mức sinh của TP.HCM đang ở mức rất thấp so với các tỉnh thành khác trong cả nước. Kết quả thống kê chuyên ngành cho thấy tổng tỉ suất sinh của TP đã dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) từ trước những năm 2010. Năm 2024, TP.HCM đặt chỉ tiêu duy trì tổng tỉ suất sinh ở mức 1,36 con/phụ nữ.
* Ông cho rằng đâu là nguyên nhân khiến giới trẻ ngại kết hôn và ngại sinh con?
– Có rất nhiều nguyên nhân của hai xu hướng này, đặc biệt là ngại sinh con thứ hai. Về mặt tâm lý và xã hội, nguyên nhân có thể thấy là các áp lực kinh tế, sự cạnh tranh công việc và cả xuất phát từ lý do các cặp vợ chồng muốn chăm sóc con cái một cách tốt nhất.
Nhiều cặp vợ chồng có quan điểm kết hôn muộn, sinh ít con và tập trung nguồn lực tài chính, thời gian, sức khỏe để chăm sóc và đầu tư cho con cái. Việc học tập và phát triển sự nghiệp cũng ảnh hưởng đến quyết định sinh con của nhiều người.
Không ít cặp vợ chồng trẻ, nhất là phụ nữ khi quyết định trì hoãn kết hôn sẽ có thêm thời gian học tập nâng cao trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, nắm bắt các cơ hội phát triển bản thân.
Về mặt sức khỏe sinh sản, tình trạng khó mang thai, tỉ lệ vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát có xu hướng tăng. Kết hôn muộn đi kèm với khả năng sinh sản của phụ nữ giảm dần theo độ tuổi, nhất là sau 35 tuổi.
Quan trọng là nâng cao chất lượng dân số
* Từ câu chuyện chúng ta trao đổi, hệ lụy sẽ là gì nếu kéo dài tình trạng này?
– TP.HCM đang trong nhóm 21 tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước. Ai cũng biết mức sinh giảm sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số trong tương lai. Tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động giảm, tỉ lệ người cao tuổi tăng cao.
Dân số bị suy giảm nghiêm trọng làm cho nguồn lao động bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến năng suất làm việc và sự phát triển kinh tế. Mức sinh giảm, tốc độ già hóa dân số nhanh tạo áp lực rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi, nhân lực và chi phí lớn để chăm sóc người cao tuổi.
* TP.HCM đã và đang giải quyết thực tế này ra sao, thưa ông?
– TP đang đi những bước thận trọng trong việc điều chỉnh mức sinh dựa trên quan sát kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như ý kiến đóng góp của chuyên gia và của chính người dân phản hồi qua nhiều kênh truyền thông.
Ngành dân số TP đang bắt đầu từ hoạt động cơ bản nhất là truyền thông, truyền tải thông điệp về mức sinh thấp và những hệ lụy của nó đến người dân và xã hội để mọi người hiểu hơn về vấn đề mức sinh thấp.
Hiện TP có định hướng khuyến sinh nhưng cân nhắc thận trọng, tham khảo ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực dân số, quan trọng nhất là xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Bởi đây chính là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai, phù hợp mục tiêu quan trọng nhất của chính sách dân số chính là nâng cao chất lượng dân số.
Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM đã tham mưu trong dự thảo về chính sách dân số tại TP.HCM đến năm 2030 do Sở Y tế chủ trì để trình HĐND TP tại kỳ họp gần nhất trong năm 2024.
Tôi có thể dẫn ra một vài đề xuất như hỗ trợ viện phí (kinh phí đồng chi trả ngoài chi phí bảo hiểm y tế thanh toán) cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai trước 35 tuổi, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn…
Cũng có mặt tích cực
Nhìn ở mặt tích cực, xu hướng người trẻ ngại kết hôn và ngại sinh con có thể tạm lý giải rằng giới trẻ có xu hướng tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển sự nghiệp của bản thân.
Chưa kể việc có ít con hơn giúp cha mẹ có thể đầu tư nhiều hơn vào việc nuôi dạy và giáo dục con cái, đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
Điều này cũng phần nào giảm bớt áp lực kinh tế đối với các gia đình, có thể dành nhiều nguồn lực hơn đầu tư vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe cùng các hoạt động khác nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Phạm Chánh Trung cũng cho rằng xu hướng này thúc đẩy sự nghiên cứu và tìm giải pháp thích nghi tình hình thực tế trong các chính sách và dịch vụ xã hội.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ngoai-30-moi-tinh-chuyen-ket-hon-2024071823254522.htm