Sau 2 năm chuyển từ đam mê phượt sang bộ môn leo núi, Trần Đoàn đã chinh phục 60 đỉnh núi, trong đó ấn tượng nhất là chuyến xuyên Việt hồi đầu năm 2024 kết hợp leo 20 đỉnh núi ở miền Nam.
Trần Đoàn (SN 1997, quê ở Thái Nguyên) hiện là nhân viên văn phòng tại một công ty trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Với mức lương 5 triệu đồng/tháng, anh học cách tính toán sao cho đảm bảo cân đối chi phí giữa việc duy trì sinh hoạt ở nơi phố thị đắt đỏ mà vẫn theo đuổi được đam mê du lịch khắp nơi.
“Mình dành một nửa tiền lương cho các hoạt động du lịch, nửa còn lại tiết kiệm. Ngoài lương cứng, mình còn nhận được khoảng 2,4 triệu đồng tiền trợ cấp đi lại, ăn uống và nhà ở hàng tháng từ công ty cũng như tiền thưởng vào các dịp lễ, Tết nên mình dùng số tiền đó để trang trải chi phí sinh hoạt và chi tiêu cho những chuyến đi xa, dài ngày hơn”, 9X chia sẻ.
Chàng trai Thái Nguyên dành một nửa tiền lương mỗi tháng cho các hoạt động du lịch để theo đuổi đam mê xê dịch, chinh phục các đỉnh núi ở Việt Nam
Trần Đoàn cho hay, trước khi “bén duyên” với bộ môn leo núi cách đây 2 năm, anh từng thực hiện nhiều chuyến đi phượt qua 63 tỉnh thành, trong đó có 4 lần xuyên Việt bằng xe máy với hành trình gần nhất là vào đầu năm 2024.
Chuyến đi này, anh cũng kết hợp leo 20 đỉnh núi ở phía Nam, chính thức nối dài danh sách lên tổng số 60 đỉnh núi đã chinh phục thành công khắp cả nước. Có đỉnh, anh leo nhiều lần chưa chán như Tà Xùa (5 lần), Lùng Cúng (3 lần), Tà Chì Nhù và Ky Quan San (2 lần).
Khung cảnh hoang sơ với những khu rừng rêu đầy ma mị trên cung đường chinh phục đỉnh Khang Su Văn (3.012m) ở Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu
Tính đến hiện tại, chàng trai Thái Nguyên đã chinh phục được 60 đỉnh núi tại Việt Nam, trong đó có những đỉnh cao nhất như: Fansipan (3.143m) – Sapa, Lào Cai; Pu Si Lung (3.080m) – Mường Tè, Lai Châu; Pu Ta Leng (3.049m) – Tam Đường, Lai Châu; Ky Quan San (3.046m) – Bát Xát, Lào Cai…
Trần Đoàn chia sẻ, mỗi đỉnh núi lại có nét đẹp riêng và khung cảnh thay đổi theo mùa. Ví dụ, Tà Xùa có rừng rêu, Tà Chì Nhù có hoa chi pâu hay Pu Ta Leng gây ấn tượng với rừng hoa đỗ quyên đẹp mắt
Trong hàng chục chuyến đi, 9X nhớ nhất lần một mình leo đỉnh Tà Chì Nhù (Yên Bái) trong đêm hồi cuối năm 2022 để mang thuốc cho người bạn bị ốm.
“Bạn mình leo trước, lên tới lán thì bị cảm và không tìm thấy thuốc. Lúc đó trời tối, mình định ngủ ở thị trấn một đêm. Nhưng khi nhận được điện thoại từ bạn, mình quyết định cầm theo thuốc và di chuyển ngay trong đêm”, Đoàn nhớ lại.
Rừng hoa đỗ quyên nở rộ, tỏa sắc tím hồng sáng rực cả một vùng ở núi Tim Nà Nọi (2.800m), tọa lạc tại bản Nà Nọi, xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, Lai Châu
Chàng trai trẻ tiết lộ thường tham gia leo núi vào 2 ngày nghỉ cuối tuần. Tới các dịp lễ, kỳ nghỉ dài như 30/4 – 1/5 hay Tết dương lịch, 9X xin nghỉ phép thêm vài ngày để có thể chinh phục nhiều đỉnh núi trong cùng một chuyến đi.
Có chuyến, anh leo 7 đỉnh trong 5 ngày, hay 6 ngày khám phá 8 đỉnh.
“Với những đỉnh có địa hình thuận lợi, cung leo nhẹ nhàng và vị trí không quá cách xa nhau thì mình có thể kết hợp chinh phục nhiều đỉnh liên tiếp trong cùng một chuyến”, anh nói.
Vì tập luyện thể thao từ bé và có kinh nghiệm đi phượt nhiều năm, 9X Thái Nguyên không gặp quá nhiều khó khăn khi theo đuổi đam mê leo núi, trekking
Về chi phí, 9X tiết lộ mỗi chuyến leo núi, trekking không tiêu tốn quá nhiều, chỉ dao động từ 1 – 2 triệu đồng, bao gồm tiền ăn uống, ngủ nghỉ. Du khách thường ngủ lều, ngủ lán, chủ động mang theo đồ ăn, thức uống hoặc đặt mâm cơm với một số món bản địa từ người địa phương khi đi leo núi nên chi phí phải chăng.
Một số cung, anh còn đảm nhận làm hướng dẫn viên, dẫn đoàn và hỗ trợ du khách trong suốt quá trình leo để san sẻ hoặc có thêm kinh phí.
Theo Đoàn, du khách cũng có thể đăng ký tour có hướng dẫn viên và porter (người khuân vác) hỗ trợ để không bị mất sức khi leo núi mà vẫn có trải nghiệm tuyệt vời.
Bên cạnh đó, tùy nhu cầu và sở thích từng người mà du khách có thể mua sắm thêm các món đồ chuyên dụng phục vụ cho việc leo núi, trekking như: Giày, găng tay chống trơn trượt, ba lô… Những vật dụng này khá bền, mua một lần, có thể sử dụng nhiều lần, trong nhiều chuyến đi.
Mùa leo núi sắp tới, Trần Đoàn đặt mục tiêu chinh phục 75 đỉnh. “Leo núi không phải hành trình để chinh phục, mà là cuộc dạo chơi từ đỉnh này sang đỉnh khác”, anh bày tỏ.
Ảnh: Đoàn Trần – Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/luong-5-trieu-9x-mach-bi-kip-vi-vu-khap-noi-chinh-phuc-60-dinh-nui-o-viet-nam-2303023.html