NIỀM CẢM HỨNG TỪ CÔ GÁI QUẢNG BÌNH
Nhiều đồng đội trước đây của Phạm Thị Huệ đã giã từ sự nghiệp bởi môn rowing đòi hỏi sự khổ luyện, gian truân, khi hằng ngày “bán mặt cho nước, bán lưng cho trời” mà tuổi 30 đã là ngưỡng khó vượt qua. Thế nhưng, những cái nắng rát bỏng da hay cơn mưa tầm tã vẫn không thể khuất phục ý chí của cô gái can trường gốc Quảng Bình. Ở tuổi 34, Huệ vẫn lầm lũi, gân guốc trên đường đua.
Chứng kiến nghị lực phi thường của đàn chị, những thế hệ trẻ cảm thấy khâm phục và lấy Huệ làm tấm gương vượt khó. Cô luôn là trụ cột của đội tuyển rowing suốt hơn 1 thập niên qua. Cô trải bước trên hoa hồng với hàng loạt danh hiệu lớn như 3 HCB, 2 HCĐ ASIAD, 6 HCV ở các kỳ SEA Games… Song với Huệ, cô luôn muốn chinh phục những nấc thang mới.
Huệ từng hai lần đạt chuẩn tham dự Olympic vào các năm 2016 và 2020. Trớ trêu thay, vì quy định của BTC và tính toán của BHL rowing VN, cô đành lỗi hẹn. Và tưởng chừng giấc mơ Olympic mãi chỉ là giấc mơ, là khoảng lặng trong sự nghiệp của nữ VĐV sinh năm 1990 này thì ở vòng loại vào cuối tháng 4.2024, cô đoạt vé đến Paris trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Cô cán đích trong tốp 5 với thời gian 7 phút 53 giây 08. Một vị trí vừa đủ để hiện thực hóa giấc mơ 16 năm đến với rowing của Huệ.
Ở tuổi 34, tham dự Olympic, có thành tích ở ASIAD và cô gái vàng ở các kỳ SEA Games, Huệ có đủ thành tựu đáng mơ ước của một VĐV. Và khi được hỏi, sau Olympic 2024 có là điểm dừng, Huệ chỉ cười bảo: “Tôi cũng chưa có câu trả lời cho tương lai của mình. Tôi cứ cố gắng từng ngày trong tập luyện và thi đấu”.
Đúng thế! Huệ chưa tìm điểm dừng của mình bởi cô chưa biết đâu là giới hạn. Cô luôn muốn chinh phục mọi thử thách. Olympic 2024 sẽ là giải đấu đặc biệt của Huệ. “Đó là sân chơi lớn, đời VĐV nào cũng đều muốn ít nhất một lần góp mặt. Tôi đã lỗi hẹn hai lần và tham dự lần này mang lại cảm xúc khó tả. Ai cũng biết vượt qua vòng loại Olympic đã là khó khăn với các VĐV VN. Chính vì thế, đến đấu trường này, tôi sẽ cố gắng thi đấu tốt nhất”, cô tâm sự.
Luôn xác định mục tiêu rõ ràng nên không chỉ chuẩn bị tốt về tâm lý, Huệ cũng ra sức tập luyện để nâng “tay nghề”. Ngay sau khi vừa thi đấu thành công ở giải Đông Nam Á 2024, cô liền bắt tay ngay vào giai đoạn nước rút cho Olympic 2024. Tập luyện ở Hải Phòng, cô đang có sự tiếp sức lớn từ hậu phương. Sau bao năm xa cách con gái, cả gia đình cô đều đã chuyển ra Hải Phòng sinh sống. Đó là điểm tựa lớn để Huệ mơ về một kỳ Olympic thành công với bản thân cô. Tại Thế vận hội năm nay, cô phải đương đầu với 28 đối thủ rất mạnh và dĩ nhiên thử thách sẽ như núi.
Nguyễn Thị Hương CHẠM TAY VÀO LỊCH SỬ
Năm 14 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Hương chọn môn vật để bắt đầu sự nghiệp. Nhưng thật không may, cô đã phải nhận cú sốc đầu đời ở tuổi 15 khi đội vật của địa phương giải tán. Bỏ thể thao ư, cô tự hỏi và lòng lại tự trả lời: Không bao giờ. Cô quyết định “rẽ” ngang sang đua thuyền canoeing. Và cũng chính cô tạo nên bước nhảy vọt thần kỳ với tấm vé Olympic 2024 một cách ngoạn mục, đầy bất ngờ.
Trước năm 2024, canoeing VN chưa từng được đặt chân đến Olympic. Bởi đơn giản, trình độ của các VĐV vẫn còn khoảng cách so với châu lục cũng như thế giới. Tại vòng loại Olympic 2024 diễn ra ở Nhật Bản vào tháng 4.2024, Hương tham dự với tâm lý hết sức thoải mái. Cô thừa nhận: “Tôi xác định chỉ đi giao lưu, học hỏi vì tại vòng loại, tôi gặp chính những người vừa đánh bại mình ở ASIAD 19. Khi tái đấu, tôi nghĩ khó đánh bại họ”.
Không mơ về câu chuyện cổ tích của bản thân, thế nhưng lịch sử gọi tên Hương với tấm vé đến Paris trong cảm xúc vỡ òa. Cô về đích hạng nhì nội dung thuyền đơn nữ C1 (200 m). Nhớ lại giây phút đó, cô vẫn còn thổn thức: “Tôi không tin đó là sự thật. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn bồi hồi, xúc động xen lẫn tự hào”. Chỉ trong thời gian vỏn vẹn vài tháng, Hương chiến thắng chính bản thân cũng như đối thủ để viết lên lịch sử cho canoeing VN.
Đằng sau tấm vé quý hơn vàng là con đường đầy gian truân, với nhiều cay đắng của Hương. Cô sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Đôn Nhân, H.Sông Lô (Vĩnh Phúc). Hương kể: “Thuở nhỏ, gia đình còn khó khăn lắm. Bố mẹ làm lụng vất vả cũng không đủ nuôi sống gia đình, với bà nội và hai chị em. Đến năm 2015, khi các thầy ở Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Vĩnh Phúc đến tuyển quân, tôi liền nhận lời”. Một cô bé tuổi 14 hồn nhiên suy nghĩ “đi thể thao để giúp đỡ gia đình vì được nuôi ăn, nuôi học chứ không nghĩ theo đuổi sự nghiệp đỉnh cao và cũng chưa suy nghĩ sâu xa tập môn gì, tập như thế nào”.
Đến với canoeing, Hương chỉ có lợi thế duy nhất là thể lực. Cô tích lũy khá nhiều khi tập vật 1 năm. Còn lại, mọi thứ đều là con số 0 tròn trĩnh. Thậm chí, cô còn không biết bơi và phải học bơi trước 2 tuần mới chính thức tập canoeing.
Hương phải vật lộn với vấn đề chuyên môn lẫn tinh thần khi xa nhà do chuyển xuống Hải Phòng tập luyện. Gian khó liên tục ập đến với một cô gái mới 15 tuổi. Hương nhớ lại: “Lúc mới tập rất khó. Có nhiều buổi vừa trèo lên thuyền đã ngã và tôi ngã không biết bao nhiêu lần. Tập mùa hè nắng rát da. Vào mùa đông, lại lạnh cắt da cắt thịt, hơi nước từ sông thổi lên khiến mình tê tái. Tôi tập rất chăm, có khi 6 – 7 giờ tối mới nghỉ”.
Có lúc Hương nản, nhớ gia đình, len lỏi cảm giác tủi thân. “Từng có thời điểm tôi tự nhủ, học cấp 3 xong sẽ nghỉ tập”, cô chia sẻ. Thế nhưng nghị lực, sự vươn lên trong gian khó hun đúc tinh thần thép cho Hương. “Tôi nghĩ về gia đình, có lúc thả lỏng bản thân để suy nghĩ lại. Và thời điểm đó, tôi bắt đầu có thành tích, có nhiều tiền thưởng, cải thiện kinh tế gia đình. Từ đây, tôi quyết tâm đi theo môn này, có thành tích cao hơn để giúp đỡ gia đình, bản thân nhiều hơn”, cô nói.
Đại hội thể thao toàn quốc năm 2018 trở thành ký ức đẹp của Hương. Cô gái sinh năm 2001 giành 3 HCV đồng đội trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Từ đó sự nghiệp của cô thăng tiến vững chắc. Hai cột mốc ấn tượng của cô là 5 HCV ở SEA Games 31 cùng tấm vé dự Olympic 2024. 16 VĐV giỏi của thế giới sẽ là đối thủ của cô. Cũng như đàn chị Phạm Thị Huệ, Hương đặt ra mục tiêu lớn, sẽ đấu hết khả năng để tiến sâu nhất có thể tại đấu trường cam go nhất hành tinh.
Lịch thi đấu của vn tại Olympic (giờ vn)
Ngày 25.7: Bắn cung: Đỗ Thị Ánh Nguyệt (14 giờ 30), Lê Quốc Phong (19 giờ 30).
Ngày 27.7: Cầu lông: Nguyễn Thùy Linh (14 giờ 20), Lê Đức Phát (16 giờ).
Judo: Hoàng Thị Tình, hạng 48 kg nữ (15 giờ).
Rowing: Phạm Thị Huệ, đơn nữ hạng nặng (15 giờ 12).
Bắn súng: Trịnh Thu Vinh, 10 m súng ngắn hơi vòng loại (17 giờ 30).
Quyền anh: Võ Thị Kim Ánh, hạng 54 kg (20 giờ 30); Hà Thị Linh, hạng 60 kg (21 giờ 18).
Ngày 28.7:
Bắn súng: Lê Thị Mộng Tuyền, 10 m súng trường hơi vòng loại (14 giờ 15).
Bơi: Võ Thị Mỹ Tiên, vòng loại 200 m bơi tự do nữ (16 giờ).
Ngày 29.7:
Bơi: Nguyễn Huy Hoàng, vòng loại 800 m tự do nam (16 giờ).
Ngày 2.8:
Bắn cung: Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong thi đấu vòng 1/8 nội dung đôi nam nữ phối hợp cung 1 dây (14 giờ 30).
Điền kinh: Trần Thị Nhi Yến, vòng lại 100 m nữ (15 giờ 35).
Ngày 4.8:
Xe đạp: Nguyễn Thị Thật tranh nội dung đường trường cá nhân nữ (19 giờ).
Ngày 7.8:
Cử tạ: Trịnh Văn Vinh tranh hạng cân 61 kg (20 giờ).
Ngày 8.8:
Canoeing: Nguyễn Thị Hương, tranh vòng loại 200 m thuyền đơn nữ (15 giờ 30).
Quang Tuyến
Nguồn: https://thanhnien.vn/chinh-phuc-dinh-olympic-vung-tay-cheo-den-paris-185240718225313002.htm