Phân biệt chủng tộc trong bóng đá và những lĩnh vực khác là căn bệnh dai dẳng và không mới. Vậy, cần phải làm gì để thay đổi tình trạng này?
Cầu thủ Anh Bukayso Saka từng bị ám ảnh nhiều năm vì áp lực sau pha sút hỏng quả luân lưu quyết định ở chung kết Euro lần trước. (Nguồn: Reuters) |
Con người luôn khao khát những xã hội được xây dựng trên sự hòa nhập và tôn trọng lẫn nhau. Tất cả chúng ta đều mong muốn và xứng đáng được sống, được đối đãi bình đẳng, hài hòa. Công lý, tôn giáo, văn hóa, các thiết chế đều hướng đến mục tiêu hạnh phúc của cá nhân, nơi mọi thành viên trong xã hội đều có thể phát huy tối đa những năng lực thật sự của mình.
Những khoảnh khắc chụp cầu thủ đội tuyển Anh Bukayo Saka xuất sắc ghi bàn thắng từ chấm phạt đền vào lưới đội tuyển Thụy Sỹ ở vòng tứ kết giải Euro 2024 hẳn còn đọng lại trong lòng nhiều khán giả hâm mộ.
Sau tiếng còi của trọng tài vang lên, khép lại trận đấu, từ loạt đá luân lưu của Anh và Thụy Sỹ, người ta đã thấy tràn ngập trên các phương tiện truyền thông là những tung hô, bình luận khen ngợi tài năng của các cầu thủ Bukayo Saka, Ivan Toney, Trent Alexander Arnold và Jude Bellingham.
Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là, tại sao sự ủng hộ của một bộ phận truyền thông và nhiều người lại là “sự ủng hộ có điều kiện” như vậy? Tại sao nhiều người chỉ cổ vũ những cầu thủ da màu, gốc châu Phi khi họ thành công, nhưng lại quay lưng lại với họ khi họ không may đá hỏng?
Trong một khóa học về giao tiếp liên văn hóa mới đây, người phụ trách khóa học, một giảng viên đến từ Australia của chúng tôi đã kể lại câu chuyện mà tất cả các học viên đều lặng đi. Năm 1983, trước khi ra mắt đội tuyển Anh, cầu thủ da đen Cyrille Regis đã bị bắn ở cột điện. Năm 1988, John Barnes, cầu thủ da đen đầu tiên của Liverpool, bị ném chuối vào người. Năm 2007, Avram Grant, huấn luyện viên người Do Thái đầu tiên tại Premier League với Chelsea phải nhận một loạt chỉ trích bài Do Thái từ cả giới truyền thông và người hâm mộ.
Các fan bóng đá hẳn còn nhớ, bốn năm trước trong trận chung kết Euro 2020, ba cầu thủ da màu của Anh đá hỏng quả phạt đền trong loạt sút luân lưu với Italy. Quả phạt đền quan trọng đã bị Bukayo Saka của Arsenal đá hỏng, cùng với Marcus Rashford và Jadon Sancho, anh nhận được hàng nghìn tin nhắn thù hận trực tuyến.
Sự thù địch này vượt ra ngoài khán đài và lan truyền với tính chất nghiêm trọng bởi tính ẩn danh của phương tiện truyền thông xã hội. Sự thù hận có chủ đích đó tiếp tục gây ảnh hưởng đến các giải đấu và làm tổn thương các cầu thủ da màu sâu sắc. Bởi vậy, phân biệt chủng tộc trong bóng đá và những lĩnh vực khác là căn bệnh dai dẳng và không mới.
Có thể còn nhiều trường hợp khác gắn với những người da màu mà chúng ta chưa từng nghe đến hoặc không muốn nói ra?
Theo tôi, để làm tình hình trở nên tốt hơn, những người có tư tưởng phân biệt cần phải được bổ sung kiến thức.
Với tư cách là người hâm mộ bóng đá cũng như một công dân bình thường, tôi cho rằng, đại đa số công chúng đều muốn thấy những chương trình giáo dục chống phân biệt chủng tộc nhằm nâng cao nhận thức và chống lại những định kiến, phân biệt đối xử.
Các hội thảo, sáng kiến tiếp cận cộng đồng và các chiến dịch chống phân biệt chủng tộc có thể thúc đẩy sự khoan dung, thấu hiểu và chống lại định kiến. Điều này, nếu được thực hiện đúng, sẽ giúp người hâm mộ bóng đá cân nhắc lại các hành vi chưa đẹp của mình.
Nhìn rộng hơn nữa, những khóa học nhận thức về sắc tộc nhằm chống áp bức, chống phân biệt chủng tộc sẽ giúp mọi người ý thức rõ rằng những ngôn ngữ phân biệt chủng tộc, lăng mạ không nên có ở mọi giải đấu thể thao. Việc này, đồng thời, nhắc nhở mỗi chúng ta về sự tôn trọng dành cho tất cả mọi người, thực hiện các biện pháp chủ động cũng như vun đắp một nền văn hóa đa dạng, bình đẳng, bao trùm và tôn trọng.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bong-da-va-sac-toc-279234.html