Dùng máy bơm dã chiến để chống úng
Chiều 18/7, trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Văn Tấn-Trưởng phòng NNPTNT huyện Kim Sơn cho biết: “Những ngày qua trên địa bàn huyện Kim Sơn có mưa lớn, lượng mưa trung bình ngày 14/7 là 11,2mm; còn 7 giờ ngày 17/7 là 100,8mm…khiến diện tích lúa mùa đã gieo cấy bị ngập hoàn toàn”.
Cụ thể, tính hết ngày 16/7, toàn huyện Kim Sơn đã gieo cấy được 2.081 ha lúa mùa. Trong đó, diện tích lúa cấy là 1.788 ha, diện tích lúa sạ là 293 ha. Mưa lớn kéo dài kết hợp với mực nước trên các sông cao đã làm ngập úng toàn bộ diện tích lúa mới cấy.
Ông Vũ Văn Tấn thông tin thêm, trước tình hình mưa lớn gây ngập úng toàn bộ diện tích lúa vừa gieo cấy, huyện Kim Sơn đã triển khai phương án chống úng.
Đối với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện Kim Sơn đã vận hành các trạm bơm như: Chất Thành, Kim Đài, Phát Diệm, Cồn Thoi với 29 tổ máy, tổng công suất 116.000m3/h.
Riêng các hợp tác xã nông nghiệp vận hành 27 máy bơm vô ống và 28 máy bơm dã chiến với tổng công suất khoảng 108.000m3/h.
Ngoài ra, mở các cống trên đê để tận dụng tiêu bằng thủy triều, khi triều xuống. Đồng thời, vận hành toàn bộ các trạm bơm tiêu trên địa bàn huyện để chống úng cho diện tích lúa mùa mới cấy, cũng như tiêu nước để phục vụ việc gieo cấy phần diện tích còn lại đảm bảo lịch thời vụ.
Chuẩn bị giống để gieo cấy bổ sung
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Văn Tấn -Trưởng phòng NNPTNT huyện Kim Sơn nói: “Để bảo vệ sản xuất lúa vụ mùa, Ủy ban nhân dân các xã chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp huy động tất cả các nguồn lực, phương tiện, khoanh vùng bơm tát chống úng cho 100% diện tích lúa đã gieo cấy”.
Các hợp tác xã nông nghiệp đôn đốc, hướng dẫn người dân chuẩn bị giống để gieo cấy bổ sung trong trường hợp phải gieo cấy lại; có biện pháp chăm sóc, bảo vệ diện tích mạ đã gieo, tiến hành cấy ngay khi ruộng cạn nước để đảm bảo thời vụ.
Ngoài ra, phân công cán bộ trực tại các trạm bơm và các cống 24/24h; tổ chức vận hành hết công suất tất cả các trạm bơm để tiêu kiệt nước trong hệ thống kênh.
Bên cạnh đó, tận dụng thời điểm thủy triều xuống để mở các cống dưới đê nhằm phát huy tối đa việc tiêu nước chống ngập úng.
Phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, bám sát địa bàn hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp, người dân về biện pháp kỹ thuật ngâm ủ mạ, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ mạ đã gieo và lúa mới cấy.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-huyen-o-ninh-binh-toan-bo-dien-tich-lua-mua-da-gieo-cay-bi-ngap-hoan-toan-20240718161321577.htm