Ukraine có hàng nghìn km đường ống ngầm đưa khí đốt tự nhiên của Nga tới Tây Âu. Trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, gần 150 tỷ m3 (bcm) khí đốt tự nhiên được vận chuyển hàng năm qua các đường ống do Liên Xô xây dựng.
Nga sẵn sàng gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt qua Ukraine. (Nguồn: Daily News) |
Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, trong khi đất nước của Tổng thống Putin đã giảm tốc độ vận chuyển khí đốt qua Ukraine – từ mức 40 bcm mà hai bên đã đồng ý vào năm 2019 xuống gần 15 bcm vào năm ngoái.
Thỏa thuận 5 năm với công ty năng lượng nhà nước Nga Gazprom để Ukraine tiếp tục vai trò là tuyến đường vận chuyển khí đốt sẽ hết hạn vào cuối năm 2024.
Thỏa thuận này là thỏa thuận chính trị và thương mại duy nhất còn lại giữa Moscow và Kiev ở thời điểm hiện tại.
Nga sẵn sàng gia hạn thỏa thuận
Ukraine và EU đã hạ thấp triển vọng về một thỏa thuận mới do quan hệ ngoại giao đã bị cắt đứt vì chiến dịch quân sự đặc biệt.
Brussels cho biết, các quốc gia khối 27 thành viên phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga thông qua Ukraine – như Áo, Slovakia, Hungary và Italy – có thể tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hoặc khí đốt nguồn thông qua các đường ống khác vào EU.
Mặt khác, Moscow cho biết, họ sẵn sàng gia hạn thỏa thuận.
Các hãng thông tấn nhà nước Nga dẫn lời Phó Thủ tướng Alexander Novak thông tin: “Việc quá cảnh qua lãnh thổ của họ phụ thuộc vào Ukraine và đất nước này có những quy định riêng. Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt qua trạm trung chuyển này”.
Thay vào đó, EU đã bắt đầu đàm phán với Azerbaijan để nhập khẩu thêm khí đốt tự nhiên của nước này. Nguồn khí đốt có khả năng chạy qua các đường ống của Ukraine và giúp duy trì vai trò quốc gia trung chuyển năng lượng.
Azerbaijan đã tăng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu lên 56% trong năm đầu tiên khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu và đặt mục tiêu tăng gấp đôi vào năm 2027.
Nếu xuất khẩu tiếp tục tăng như những “thành tích” trong sáu tháng đầu năm 2024, lượng xuất khẩu từ Azerbaijan sang châu Âu dự kiến sẽ đạt 12,8 bcm vào cuối năm 2024.
Hikmat Hajiyev, cố vấn Tổng thống Azerbaijan nói với hãng tin Reuters rằng, cả EU và Kiev đều yêu cầu Azerbaijan tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán với Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskky xác nhận: “Các cuộc đàm phán đang được tiến hành”.
Hướng đi mới có khả thi?
Các chuyên gia năng lượng cho rằng, Azerbaijan – quốc gia sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) vào tháng 11 – không có đủ khí đốt trong thời gian ngắn để tăng thêm nguồn cung cấp sang châu Âu.
Aura Sabadus, thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm phân tích chính sách châu Âu (CEPA) nhận định: “Sản lượng khí đốt của Azerbaijan không lớn đến thế. Nước này có nhu cầu cung cấp khí đốt trong nước lớn và đã xuất khẩu khí đốt sang Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu”.
Các chuyên gia cho rằng, chính phủ Baku sẽ cần thời gian và phải đầu tư đáng kể để tăng công suất xuất khẩu khí đốt.
Trong khi đó, các quốc gia khối 27 thành viên đang cố gắng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, vì vậy Brussels có thể không sẵn lòng ký một thỏa thuận dài hạn.
Ông Oleksandr Sukhodolia, chuyên gia về an ninh năng lượng khẳng định: “Thỏa thuận với Azerbaijan sẽ giúp Ukraine bơm khối lượng khí đốt lớn hơn sang EU vào thời điểm nước này đang hội nhập thị trường khí đốt vào thị trường châu Âu”.
Ông Sabadus cho rằng, khí đốt của Azerbaijan có thể sẽ cần được nhập khẩu thông qua cơ sở hạ tầng đường ống phía Nam của Nga, qua Thổ Nhĩ Kỳ, Moldova và Romania. Azerbaijan không có biên giới với Ukraine.
“Chi phí vận chuyển trên các đường ống phía Nam là ‘cắt cổ’, điều này có thể khiến tuyến đường đó không khả thi”, ông Sabadus nêu quan điểm.
Ukraine có các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất châu Âu, hầu hết nằm ở phía Tây đất nước. (Ảnh minh họa – Nguồn: RT) |
Thỏa thuận giữa Azerbaijan và Ukraine có thể diễn ra bằng cách nào khác?
Một lựa chọn là các nhà cung cấp khí đốt của Azerbaijan bán khí đốt của họ thông qua Nga, cho phép công ty độc quyền năng lượng nhà nước Gazprom và các công ty khác của Moscow kiếm được doanh thu vận chuyển.
Đầu năm nay, Gazprom công bố khoản lỗ đầu tiên kể từ năm 1999, khi công ty này phải vật lộn để bù đắp lượng hàng xuất khẩu bị mất ở châu Âu thông qua các thỏa thuận với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ukraine có các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất châu Âu, hầu hết nằm ở phía Tây đất nước.
Trước chiến dịch quân sự đặc biệt, Kiev từng yêu cầu Moscow cho phép nước này vận chuyển khí đốt từ Azerbaijan và Turkmenistan tới châu Âu. Nhưng Điện Kremlin từ chối.
Ông Sabadus nói: “Rất khó có khả năng Nga sẽ để tiếp nhận khí đốt từ các nước láng giềng”.
Một giải pháp khác là thỏa thuận trao đổi khí đốt, trong đó Nga và Azerbaijan trao đổi khối lượng nhiên liệu trước khi tái xuất khẩu.
“Trên thực tế, thỏa thuận sẽ chứng kiến khí đốt của Nga được bán cho Azerbaijan ở biên giới Nga-Ukraine, sau đó sẽ chuyển qua Kiev và đến châu Âu”, ông Sabadus gợi ý.
Vai trò vận chuyển khí đốt của Ukraine mang lại lợi nhuận như thế nào?
Kiev đã nhận được khoảng 1 tỷ USD (tương đương 0,92 tỷ Euro) vào năm 2021 phí vận chuyển khí đốt của Nga. Do lượng giao hàng đến châu Âu thấp hơn kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu nên lợi nhuận thu được đã giảm xuống còn khoảng 700 triệu USD/năm.
Chuyên gia Sukhodolia nói: “Đó là một khối lượng khí đốt nhỏ và mức độ đó không mang lại lợi nhuận cho Ukraine”.
Hầu hết các khoản phí được phân bổ cho chi phí vận hành, bao gồm cả bảo trì đường ống, do đó, bất kỳ thỏa thuận mới nào cũng sẽ phải bao gồm việc tăng đáng kể việc cung cấp khí đốt để giúp Kiev giải quyết vấn đề ngân sách.
Ông Sabadus khẳng định: “Trừ khi thỏa thuận quá cảnh được gia hạn với khối lượng rất lớn, nếu không người Ukraine sẽ không kiếm được tiền”. Đây cũng có thể là lý do khiến Ukraine “gõ cửa” Azerbaijan tìm hướng đi mới, thay vì chấp nhận lời đề nghị của Nga.
Nguồn: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-thuong-mai-duy-nhat-sap-ket-thuc-nga-san-sang-gia-han-ukraine-lam-ngo-tim-huong-di-moi-279123.html