Khắc họa nhân cách người lính thời 4.0 hôm nay
Cuốn sách “Tỏa ngát danh thơm Bộ đội Cụ Hồ” (NXB Quân đội nhân dân, 2024) của đại tá, nhà báo Nguyễn Văn Hải – Báo Quân đội Nhân dân với nhiều điểm mới mẻ, thú vị. Nhà văn Phùng Văn Khai – Phó TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhận định: “Cuốn sách “Tỏa ngát danh thơm bộ đội Cụ Hồ” của nhà báo Nguyễn Văn Hải là một trong những tác phẩm có cái nhìn sâu sắc, toàn diện và biện chứng về cuộc đời quân ngũ, sứ mệnh người lính trong chiến tranh và trong hòa bình”.
Cuốn sách là tập hợp những tác phẩm báo chí chọn lọc về đề tài “Bộ đội cụ Hồ” của anh được công bố trong khoảng hơn 10 năm gần đây, với 2 phần: Phần I – “Gìn giữ phát huy giá trị văn hoá Bộ đội cụ Hồ” và Phần II – “Dấu chân người lính trên mọi miền Tổ quốc”. Hai phần của cuốn sách hòa quyện, bổ trợ cho nhau, tạo thành một thể thống nhất, từ việc khắc họa diện mạo, thần thái, cốt cách cao quý của “Bộ đội cụ Hồ” với những giá trị đặc sắc đến những câu chuyện thể hiện ý chí, tinh thần lao động, cống hiến bền bỉ, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ ngày nay…
Từ sự khái quát thành các quan điểm, góc nhìn sâu sắc với cách lý giải, phân tích thấu đáo đến những câu chuyện thực tiễn sinh động mang hơi thở cuộc sống… mà tác giả từng trải, từng chứng kiến, từng cảm nhận. Như Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Bá Dương – Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương nhận định: “Trong cuốn sách, bên cạnh những tác phẩm chuyên luận về giáo dục lịch sử, truyền thống của Quân đội với sự đúc kết bổ ích, thú vị, có giá trị lý luận và thực tiễn thì còn có những tác phẩm phóng sự, kí sự khắc họa vẻ đẹp về chân dung “Bộ đội cụ Hồ” đang sống và chiến đấu trong thời bình với nhiều khía cạnh, chiều kích, đa dạng, phong phú. Bằng thể loại phóng sự, ký sự, tác giả đã dày công khám phá, phác thảo diện mạo, tính cách, tư chất, ý chí, nghị lực và những cử chỉ, hành động của người lính dù ở đâu, làm gì, trên cương vị nào cũng đều tự nguyện một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.
Và ông cũng khẳng định thêm rằng, vấn đề mà cuốn sách đặt ra rất có giá trị, bởi đó là một nét văn hóa quân sự đặc trưng, tiêu biểu của dân tộc Việt Nam thời đại mới.
Nét đặc trưng ấy như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các tác phẩm của nhà báo Nguyễn Văn Hải, từ đó giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn về giá trị văn hóa nhân văn đặc sắc, độc đáo của danh xưng “Bộ đội cụ Hồ”: “Như dòng sông mỗi ngày bồi đắp phù sa cho cây trồng thêm tốt tươi, “Bộ đội cụ Hồ” theo thời gian ngày càng vững vàng về bản lĩnh, ý chí chiến đấu, trong sáng về đạo đức, tâm hồn, phát triển về trí tuệ, văn hóa và tỏ rõ là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước” (Rạng rỡ danh xưng – danh hiệu “Bộ đội cụ Hồ”).
Tất nhiên, những đúc kết mà nhà báo Nguyễn Văn Hải đưa ra không phải là mới, nhưng nó đã được chắt lọc, chưng cất đầy trân trọng, từ chân lý đến thực tiễn đời thực, từ đó khắc hoạ sáng ngời những phẩm cách đẹp đẽ của người lính, người chiến sĩ hôm nay. PGS.TS. Nguyễn Thanh Tú nhận định về cuốn sách này thật sắc nét: “Những con chữ, những câu văn trong cuốn sách này không hẳn đều căng phồng chất sống, chất đời, chất trí tuệ nhưng căng đầy một tâm huyết, một tinh thần người lính đầy trách nhiệm với việc luận giải, làm sâu sắc hơn vẻ đẹp bình dị mà cao quý chỉ có ở Bộ đội Cụ Hồ”.
Vừa trí tuệ, giàu trải nghiệm, vừa có một tình yêu sâu đậm với người lính
Vẻ đẹp bình dị mà cao quý ấy càng trở nên thuyết phục khi được thể hiện qua lối viết giản dị, dễ hiểu của một nhà báo – chiến sĩ đã có 32 năm công tác trong quân đội, vừa cầm súng, vừa cầm bút, với những dấu chân dặm dài trên mọi nẻo đường từ rừng núi đến đảo xa… và được soi chiếu dưới góc nhìn văn hóa và báo chí – truyền thông.
Đọc sách cũng như gặp người, cây bút Nguyễn Văn Hải không hoa mĩ hay “đao to búa lớn” dù chủ đề của anh mang tầm vóc thời đại. Anh cũng không viết theo một tư duy lối mòn mà linh hoạt trong từng bài dù có nhiều câu chuyện đã cũ, trải qua thử thách hàng chục năm trời. Bởi vậy, cuốn sách vẫn có sức hút, đời sống riêng của nó khi người viết đã biết làm mới một đề tài cũ, chọn lọc tinh tế chi tiết đắt mà không sáo, ca ngợi nhưng không nhạt nhẽo, một màu…
Và làm được như vậy chắc chắn không dễ, đòi hỏi phải là một cây bút có nghề, vừa trí tuệ, giàu trải nghiệm, vừa có một tình yêu sâu đậm với người lính… Nhà báo, đại tá Nguyễn Văn Hải đã hội tụ được điều ấy, vừa vặn mang vào cuốn sách này bằng trách nhiệm và sứ mệnh của người “thư kí trung thành của thời đại”.
Trong 23 năm gắn bó với nghề báo, tác giả Nguyễn Văn Hải đã đoạt 22 giải chính thức giải báo chí cấp quốc gia, toàn quốc, toàn quân, gồm: 5 giải A (Nhất), 10 giải B (Nhì), 7 giải C (Ba). Trong đó có 5 giải (2A, 1B, 2C) Giải Báo chí Quốc gia; 3 giải (2A, 1B) Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); Giải Nhất cuộc thi viết “Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh” năm 2019; Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” năm 2021… |
Một tác phẩm thành công không chỉ là nỗ lực của người viết mà còn là sự nắm bắt tinh tế thị hiếu người đọc và đúng thời điểm. Cuốn sách này ra đời trong bối cảnh một số cá nhân lợi dụng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ để trục lợi ngày càng nhiều trên không gian mạng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, danh dự của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam… chính là một “điểm cộng”.
Rõ ràng, mỗi người, mỗi ngày đều lan tỏa những hình ảnh đẹp, đúng với bản chất người quân nhân cách mạng là một giải pháp hiệu quả cho hành trình đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái thù địch thì với vẻ đẹp bình dị mà cao quý của người lính trong cuốn sách của nhà báo – chiến sĩ Nguyễn Văn Hải chính là một tư liệu quý, một cách để nhìn vào, soi chiếu và đánh bật đi những fakenews, tin xấu độc đang tràn lan hiện nay.
Cuốn sách đã khẳng định một chân lý bất di bất dịch, trong bom đạn, giữa tâm bão hay trên tuyến đầu chống dịch… không có bất cứ nơi nào trên đất nước này vắng bóng Bộ đội Cụ Hồ. Chính bởi gần dân, trọng dân, sẵn sàng hy sinh vì dân mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã được nhân dân gửi trọn niềm tin. Do đó, không thể vì một vài sự việc đơn thuần mà dễ dàng làm lay chuyển tình cảm, phai nhạt truyền thống gắn bó keo sơn, máu thịt giữa quân với dân cũng như phẩm cách của người lính thời bình…
Xin được khép lại bài viết về cuốn sách với lời tâm sự chân tình của tác giả cũng là thông điệp của anh mang đến cho công chúng: “Nhờ có những truyền thống, phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” đã nuôi dưỡng, bồi đắp cho tôi nguồn năng lực tích cực trong cuộc sống, công tác và góp phần rèn luyện nhân cách nhà báo chiến sĩ “vừa hồng vừa chuyên”. Qua cuốn sách, tôi cũng muốn góp thêm một tiếng nói, một góc nhìn, một minh chứng nhằm tiếp tục khẳng định những giá trị văn hóa đặc sắc của danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, đồng thời lan tỏa những truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta đến bạn đọc…”.
Hà Vân
Nguồn: https://www.congluan.vn/toa-ngat-danh-thom-bo-doi-cu-ho-post303878.html