QUẢNG NINH Trên diện tích hơn 400m2, HTX Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh hiện sản xuất được 10 tấn phân trùn các loại/tháng với giá bán 8.000 đồng/kg
Hiện nay, nhu cầu về phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh dần gia tăng. Nhận thấy điều đó, tháng 10/2023, bà Nguyễn Thị Vịnh (xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên) đã thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh do bà làm Giám đốc.
Bà Vịnh chia sẻ, qua tìm hiểu thực tế cho thấy tình trạng nông dân không tuân thủ nguyên tắc khi sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn diễn ra, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
“HTX ra đời với mục tiêu giúp nông dân thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức canh tác trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, sức khỏe cộng đồng. HTX Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh đang tập trung sản xuất phân vi sinh trùn quế và các sản phẩm từ trùn quế”, bà Vịnh cho biết.
Đáng chú ý, phân trùn quế không chỉ là phân bón hữu cơ chất lượng cao cho các loại cây trồng, mà còn giúp cải thiện đất bị thoái hóa, thiếu chất dinh dưỡng. Phân trùn quế đặc biệt thích hợp để ươm cây giống, trồng rau, củ, quả hữu cơ. Quá trình ủ phân trùn quế có thể thực hiện với quy mô nhỏ để xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình.
“Dù phân trùn quế không thể thay thế hoàn toàn phân hóa học, nhưng có thể giảm được lượng phân hóa học, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, đem lại sản phẩm nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng” – bà Vịnh chia sẻ.
Hiện HTX Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh đang sử dụng giống trùn quế lai vì chúng có kích thước lớn, ăn rất khỏe và tạo ra phân năng suất cao hơn. Ngoài ra, giống trùn quế lai hợp với môi trường, khí hậu tại địa phương, kháng bệnh tốt.
Thức ăn của trùn quế rất đa dạng như phân gia súc, gia cầm; bã các loại cây như sắn, đậu, mía, dong riềng; các loại cây như bèo tây, thân cây chuối…; rác thải hữu cơ từ nhà bếp. Tuy nhiên, trước khi cho trùn quế ăn, các loại thức ăn này cần được làm nhỏ, thức ăn có nguồn gốc từ thực vật cho ăn trực tiếp, thức ăn có nguồn gốc từ động vật phải với men vi sinh.
Nên cho trùn quế ăn nổi trên bề mặt, hạn chế cho ăn chìm do khối thức ăn chìm khi lên men sẽ sinh nhiệt, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và sinh sản của trùn. Mặt khác, môi trường chìm tạo sự yếm khí, làm phát sinh một loạt khí độc như CH4, H2S, CO khiến trùn quế bỏ đi hoặc chết.
Sau thả giống lần đầu khoảng 40 – 45 ngày, khi lớp sinh khối dày lên cũng là lúc người nuôi có thể thu phân trùn quế kết hợp san đàn. Trên diện tích hơn 400m2, HTX Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh hiện sản xuất được 10 tấn phân trùn các loại/tháng với giá bán 8.000 đồng/kg. HTX đã xây dựng các trang trại vệ tinh trên địa bàn thị xã Quảng Yên, Đông Triều, tiến tới phát triển thêm tại huyện Hải Hà, Bình Liêu.
Thời gian tới, HTX sẽ phát triển thêm các sản phẩm khác như dịch trùn quế, trùn quế giống, trùn quế ép đông…, nâng sản lượng phân trùn quế bán ra thị trường lên 30 tấn/tháng để cung cấp cho lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh cho biết, phân trùn quế có tác dụng tăng quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, tăng khả năng miễn dịch cho cây trồng; chứa nhiều hệ vi sinh, làm đất tơi xốp và giữ ẩm; điều hòa sinh trưởng một cách tự nhiên.
“Mô hình nuôi trùn quế phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ hiện nay. Bên cạnh đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, ông Thực nhấn mạnh.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/nuoi-trun-que-thuc-day-nong-nghiep-huu-co-tuan-hoan-d393196.html