Vừa qua, Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 2 bênh nhân sơ sinh mắc thủy đậu. Điều đáng chú ý, cả 2 bệnh nhân đều bị lây từ mẹ.
Trường hợp thứ nhất là bé trai 5 ngày tuổi ở Hà Nội. Mẹ của bé phát hiện mình bị thủy đậu vào ngày thứ 3 sau khi sinh và đã cách ly ngay với con.
Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhi mắc thủy đậu tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. |
Tuy nhiên, ngày thứ 5 sau khi chào đời, bé bắt đầu xuất hiện những biểu hiện của thủy đậu như nốt phát ban và phỏng nước toàn thân.
May mắn tình trạng của bé tốt vì ăn bú được bình thường và không có biến chứng gì. Hiện tại, các vết ban của bé đã se gần hết và không xuất hiện những nốt ban mới.
Trường hợp thứ 2 là bé trai 2 tháng tuổi ở Hà Nội. Cách ngày vào viện 3 ngày, bắt đầu xuất hiện những vùng nốt phỏng nước lan ra khắp mặt và toàn thân kèm theo ho, khò khè. Ban phỏng nước thì mọc nhiều mà lan nhanh, dầy đặc. Bé sốt đến 38 độ thì được người nhà đưa vào viện.
Khi vào viện, bé có tình trạng viêm phổi, kèm theo ban phỏng nước toàn thân đa hình thái, đa lứa tuổi khắp cơ thể. Bé đã được cho dùng kháng sinh và thuốc kháng virus, khí dung. Hiện tại, các ban cũ của bé đã se lại, không mọc ban mới và tình trạng viêm phế quản phổi đã ổn định.
Bác sĩ CKI Lê Thu Trang, Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương diễn giải, bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, gây dịch. Bệnh lây qua đường hô hấp, trên lâm sàng bệnh có biểu hiện sốt, phát ban phỏng nước nhiều lứa tuổi trên da, ban có ngứa.
Hầu hết bệnh thường diễn biến lành tính, tuy nhiên có thể có một số biến chứng như viêm da bội nhiễm, viêm não, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm thận, viêm khớp và thường hay xảy ra trên những cơ địa đặc biệt như người suy giảm miễn dịch (người ung thư, điều trị hóa chất, dùng thuốc ức chế miễn dịch), trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính.
Thời gian ủ bệnh thông thường của thủy đậu trung bình từ 10-14 ngày. Bệnh thủy đậu sẽ lây cho người xung quanh trong giai đoạn bệnh nhân vẫn còn xuất hiện những nốt ban.
Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu gia đình cần cho con nhập viện sớm để được theo dõi và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng trẻ như viêm gan, viêm phổi hoặc viêm não do sức đề kháng của các bé còn yếu.
Bác sĩ Trang khuyến cáo, khi phát hiện trẻ trong giai đoạn sơ sinh mắc phải bệnh thủy đậu cha mẹ nên đưa con đến khám sớm tại các cơ sở Y tế, không nên tự điều trị tại nhà.
Nếu mẹ bị mắc thủy đậu trong giai đoạn đang cho con bú thì cần phải vệ sinh sạch sẽ bàn tay một cách thường xuyên, đeo khẩu trang để tránh vi khuẩn lây trực tiếp qua giọt bắn (nói chuyện, ho hắt hơi) hay dịch tiết từ nốt phỏng nước).
Đặc biệt, khi phát hiện trẻ
Bác sĩ Trang nhấn mạnh, tiêm chủng vắc-xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em việc tiêm chủng vắc-xin thủy đậu càng quan trọng. Gia đình nên đưa trẻ tới các cơ sở tiêm chủng uy tín để được tư vấn và tiêm chủng vắc-xin theo quy đinh hiện hành.
Khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu mà bản thân chưa tiêm phòng vắc-xin thủy đậu, cần tiêm phòng sớm trong vòng 5 ngày sau đó. Người bệnh cần được cách ly để tránh để lây nhiễm cho những người trong gia đình, cũng như cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/potec cho hay, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy vắc-xin giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu được tiêm trong vòng 3-5 ngày sau khi phơi nhiễm. Đặc biệt, mức độ hiệu quả của vắc-xin có thể đạt được 70-100% nếu tiêm trong vòng 72 giờ.
Bác sĩ Tuấn Hải khuyến cáo, trẻ nên được tiêm phòng để tạo sự miễn dịch chủ động đối với bệnh thủy đậu.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn không nên tiếp xúc gần với người chăm sóc hoặc người đang mắc bệnh thủy đậu. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh này, tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán sớm.
Khi trẻ mắc bệnh thủy đậu, phụ huynh cần lưu ý ngoài việc hạ sốt và uống thuốc theo đơn bác sĩ, chăm sóc các nốt tổn thương da rất quan trọng.
Nếu tổn thương da không chăm sóc cẩn thận, bị nhiễm trùng, vết sẹo sau này sẽ rất xấu và có thể bội nhiễm, gây nhiễm trùng các cơ quan khác.
Người bệnh cần giữ sạch sẽ các tổn thương da bóng nước, có thể sử dụng thuốc sát trùng nếu bội nhiễm; tuyệt đối không bôi loại thuốc không rõ nguồn gốc lên các vết bóng nước. Bệnh thủy đậu không hạn chế tắm rửa, ngược lại, càng vệ sinh cơ thể sạch sẽ càng tốt.
Về dinh dưỡng, người bị thủy đậu cần ăn uống hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, uống nhiều nước.
Trong quá trình chăm sóc, nếu có sốt cao liên tục không hạ được kèm theo các dấu hiệu thần kinh như li bì, khó đánh thức, nôn, co giật, khó thở… người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Nguồn: https://baodautu.vn/canh-bao-lay-truyen-thuy-dau-tu-me-sang-tre-so-sinh-d220017.html