Năm 2024, thứ hạng của các trường THPT top đầu tại Hà Nội có sự xáo trộn mạnh. Lần đầu tiên Trường THPT Chu Văn An mất vị trí độc tôn.
Trong đợt công bố điểm chuẩn đầu tiên, trường Chu Văn An lấy 42,5 điểm, cùng thứ hạng 1 với trường Lê Quý Đôn (Hà Đông) và Yên Hòa.
Tuy nhiên, sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội công bố điểm chuẩn bổ sung, Chu Văn An rớt xuống vị trí thứ 4 về điểm chuẩn, xếp sau 3 trường là Lê Quý Đôn, Yên Hòa, Thăng Long.
Vị trí số 1 năm nay thuộc về Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hà Đông. Năm ngoái trường này đứng thứ 5. Trường cũng chưa từng lọt vào top 3 trường điểm chuẩn cao nhất Hà Nội tính từ năm 2023 trở về trước.
Cùng “rớt hạng” với Chu Văn An là Kim Liên. Ngôi trường luôn có mức điểm chuẩn cạnh tranh vị trí thứ 2, 3 năm nay lấy 41,75 điểm đầu vào, xếp thứ 5 với hai trường khác là Phan Đình Phùng và Nguyễn Gia Thiều.
Tương tự, trường Việt Đức năm ngoái đứng vị trí thứ 3 với 43 điểm đầu vào, nhưng năm nay rơi xuống vị trí thứ 8, vị trí gần cuối bảng cùng trường Nguyễn Thị Minh Khai và chỉ cao hơn trường Nhân Chính 0,25 điểm.
Ở chiều ngược lại, Trường THPT Thăng Long từ nhóm 3 trường có điểm chuẩn thấp nhất trong nhóm dẫn đầu đã vươn lên nhóm 3 trường đầu bảng. Trường Thăng Long đứng thứ 2, cùng hạng với Yên Hòa và chỉ kém Lê Quý Đôn 0,25 điểm.
Khoảng 10 năm trở lại đây, nhóm trường THPT có điểm chuẩn cao nhất Hà Nội là những “gương mặt thân quen”.
Theo đó, khu vực tuyển sinh số 1 có hai trường là Chu Văn An (quận Tây Hồ) và Phan Đình Phùng (quận Ba Đình).
Khu vực tuyển sinh số 2 có hai trường Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) và Thăng Long (quận Hai Bà Trưng).
Khu vực tuyển sinh số 3 có ba trường là Kim Liên (quận Đống Đa), Yên Hòa (quận Cầu Giấy) và Nhân Chính (quận Thanh Xuân).
Khu vực tuyển sinh số 5 có một trường là Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên).
Khu vực tuyển sinh số 7 có một trường là Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm).
Khu vực tuyển sinh số 10 có một trường là Lê Quý Đôn (quận Hà Đông).
Một số năm, nhóm dẫn đầu có thể có thêm những cái tên mới như Trần Phú, Cầu Giấy, Lê Quý Đôn – Đống Đa. Tuy vậy, những trường này không duy trì thứ hạng ổn định.
Ví dụ năm ngoái, các trường này lần lượt đứng vị trí thứ 6, 9, 10 nhưng năm nay vắng mặt trong top 10.
Một giáo viên trường THPT xin giấu danh tính nhận định: “Có sự phân hóa lớn về điểm thi của kỳ thi lớp 10 công lập. Các trường tốp đầu, tốp giữa và tốp cuối có mức điểm chuẩn chênh nhau rất lớn, từ 5-10 điểm.
Còn nếu so sánh nhóm đầu và nhóm cuối thì khoảng cách lên đến 25 điểm.
Khi những thí sinh có điểm từ cao tới rất cao thay đổi nguyện vọng ở các trường chuyên, nhóm trường “top của top”, lập tức có sự xáo động về điểm chuẩn. Trường top đầu phải lấy điểm chuẩn giảm sâu so với năm trước.”
Vị giáo viên cũng nói thêm, sự phân hóa về điểm thi, điểm chuẩn phần nào cho thấy chất lượng giáo dục không đồng đều trên phạm vi toàn thành phố.
Đồng thời, cuộc chạy đua học thêm ở học sinh khu vực nội thành cũng là một trong những nguyên nhân khiến điểm thi có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm, dẫn tới điểm chuẩn phân hóa mạnh.
Năm 2025, lứa học sinh năm 2010 sẽ thi vào lớp 10 theo nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sở GD&ĐT Hà Nội hiện chưa công bố phương án thi lớp 10 năm 2025, số môn thi, định dạng đề thi.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/thu-hang-cac-truong-thpt-tai-ha-noi-thay-doi-ra-sao-sau-ky-thi-lop-10-20240716190803315.htm