Trong đó, lễ dâng cúng tổ tiên tại gia đình trưởng họ vào khoảng giữa đến cuối tháng 7 âm lịch là một trong những nghi lễ độc đáo, thể hiện nhân sinh quan và tình cảm gia đình, lòng biết ơn tổ tiên của người Lô Lô.
Người Lô Lô thờ cúng bố mẹ, ông bà, tổ tiên gần (đời thứ 3,4) và tổ tiên xa (các đời thứ 5 trở về trước) ở nhà người con trai trưởng. Bàn thờ thường được đặt ở sát vách gian giữa, đối diện cửa chính, có các hình nhân bằng gỗ được cắm hoặc cài phía trên bàn thờ tượng trưng cho linh hồn của tổ tiên.
Hàng năm, lễ cúng tổ tiên của dòng họ sẽ được tổ chức ở nhà trưởng họ, các gia đình quây quần cùng nhau chuẩn bị và đóng góp lễ vật. Trong nghi lễ, không thể thiếu cặp trống đồng – bảo vật linh thiêng của cộng đồng người Lô Lô gồm 1 chiếc trống đực và 1 chiếc trống cái. Đôi trống này chỉ được sử dụng khi trong cộng đồng có những nghi lễ, lễ hội quan trọng.
Người được mời đánh trống phải là người có uy tín, thường là nghệ nhân đã có kinh nghiệm lâu năm. Trống cũng là loại nhạc cụ duy nhất được sử dụng trong nghi lễ này. Mở đầu buổi lễ, thầy cúng lên hương mời tổ tiên về dự, chứng giám lòng thành và hưởng lễ vật con cháu dâng cúng. Sau đó nghệ nhân nổi trống lên và đoàn người nhảy múa bắt đầu hoạt động theo nhịp trống vang. Đoàn nhảy múa gồm những người phụ nữ trong dòng họ mặc trang phục truyền thống và các “ma cỏ”.
“Người rừng” hay còn được gọi với cái tên “ma cỏ” là những người hóa trang với trang phục được bện từ cỏ “su choeo” được tìm trên núi “chun ta” (đỉnh núi có tên gọi là Sống lưng). Cỏ su choeo là loại cỏ dài, mềm, dai, dễ dàng bện kết thành trang phục phủ kín người. Ma cỏ còn đeo mặt nạ làm từ tre. Sau khi hóa trang, ma cỏ nhảy múa theo nhịp trống cả ngày. Ma cỏ không được phép ăn, nói và phải hết sức cẩn trọng không để vấp ngã trong khi nhảy múa. Ma cỏ “nhảy lễ” là hoạt động quan trọng bậc nhất vì người Lô Lô quan niệm rằng ma cỏ là nguồn cội của tổ tiên xa kia khi ở trong rừng phải lấy cây cỏ làm quần áo.
Ngày nay, muốn tổ tiên về được chứng kiến lòng thành kính của con cháu thì phải có ma cỏ dẫn dường. Ma cỏ như là cầu nối giữa con cháu ở trần gian và ông bà tổ tiên ở thế giới bên kia. Dường như niềm tin tâm linh mãnh liệt khiến đoàn ma cỏ nhảy múa từ đầu buổi lễ đến khi kết thúc theo nhịp trống mà không hề mệt mỏi. Màn đêm buông xuống là lúc thầy cúng cử hành lễ tiễn tổ tiên. Một đống lửa lớn được nhóm lên giữa sân. Bên ánh lửa rực sáng, thầy cúng thay mặt dòng họ báo cáo tổ tiên về các lễ vật con cháu dâng cúng, xin tổ tiên nhận lòng thành và yên tâm ở thế giới bên kia, phù hộ cho con cháu gặp nhiều may mắn. Sau đó, các lễ vật tiền vàng được thầy cúng đốt để kết thúc nghi lễ vào rạng sáng hôm sau. Các lễ vật khác được chế biến thành nhiều món ăn, chia cho các thành viên tham gia nghi lễ và tổ chức thành bữa tiệc để cộng đồng chung vui.
Tạp chí Heritage