Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân, Phó trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật đã báo cáo tóm tắt những nội dung cơ bản về Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Ông Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, hoạt động giám sát phải góp phần thúc đẩy hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước ngày càng đạt hiệu quả cao hơn trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Do đó phải có các quy định mang tính bắt buộc sau giám sát cụ thể như: thời hạn khắc phục, báo cáo kết quả hậu giám sát và các chế tài xử lý. Theo ông Lợi, các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, cần nghiên cứu bổ sung giám sát các chính sách cơ bản của Luật và mục tiêu ban hành Luật gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về nâng cao chất lượng chất vấn tại Quốc hội – ông Đặng Đình Luyến – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về chất vấn nêu trên của dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng chất vấn tại Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và tại HĐND, Thường trực HĐND.
Phát biểu tại hội thảo, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật cho biết, qua lấy ý kiến chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bước đầu lấy ý kiến các cơ quan thì vẫn còn ý kiến khác nhau về cách thể hiện nguyên tắc này trong dự thảo Luật.
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm đặt vấn đề: Các quy định về chất vấn việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề và các vấn đề đã hứa cũng là vấn đề cần được quan tâm, nghiên cứu. Các quy định như dự thảo Luật hiện nay đã đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, kiến nghị, yêu cầu giám sát hay chưa?, cần sửa đổi, bổ sung những nội dung gì hay không?
Dự và phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, Ban soạn thảo cần giải quyết mối quan hệ giữa dự thảo Luật với các Luật có liên quan như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Bên cạnh đó, xây dựng dự thảo Luật cần tiếp tục cụ thể hóa quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, đổi mới hoạt động của Quốc hội nói chung, hoạt động giám sát nói riêng, tuân thủ Hiến pháp và bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Thông qua hoạt động giám sát để kiểm soát quyền lực nhà nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử.
Nguồn: https://daidoanket.vn/nang-cao-hieu-qua-giam-sat-cua-quoc-hoi-va-hoi-dong-nhan-dan-10285785.html