Lời toà soạn:
Trường Sa, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ví như “những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông”, mãi là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, giữa mênh mông trùng khơi ấy, mỗi người con đất Việt đều mang trong mình một sứ mệnh cao cả: Gìn giữ từng tấc đất, từng con sóng của quê hương.
Có chàng trai đôi mươi, tuổi đời còn xanh, rời xa phố thị phồn hoa để ra đảo Đá Đông A, hiến dâng tuổi trẻ cho biển đảo quê hương. Có những người chỉ huy tận tâm, ngày đêm ấp ủ khát vọng biến Trường Sa thành một ốc đảo xanh tươi giữa đại dương bao la. Có những bác sĩ quân y tài năng, tận tụy chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo. Và có cả những người thuyền trưởng gan dạ, kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo, sẵn sàng xả thân cứu giúp ngư dân trong cơn hoạn nạn.
Chính họ, những con người bình dị mà phi thường ấy, đã góp phần thắp lên ngọn lửa yêu thương, sưởi ấm những mảnh đất xa xôi, gắn kết Trường Sa với đất mẹ, để ngư dân yên tâm bám biển, để Tổ quốc mãi mãi vững vàng nơi đầu sóng.
VietNamNet trân trọng giới thiệu loạt bài “Trường Sa vững vàng nơi biển cả”, như một lời tri ân sâu sắc đến những con người bình dị mà cao cả, đã sống và cống hiến hết mình vì Tổ quốc.
Đảo Trường Sa Lớn, viên ngọc quý giữa trùng khơi, hiện ra sau hải trình dài 254 hải lý. Bước chân lên “thủ phủ” của quần đảo Trường Sa, chúng tôi như được tiếp thêm sức sống bởi nụ cười rạng rỡ và cái bắt tay thật chặt của người dân và những người lính đảo kiên cường. Dưới cái nắng gay gắt của miền nắng gió, nụ cười ấy xua tan đi mọi lo lắng, mệt mỏi sau chặng đường xa.
Con đường xanh mướt dưới bóng cây bàng vuông, phong ba, cây tra… dẫn lối chúng tôi đến với tiếng chuông chùa ngân nga, tiếng trống trường vang vọng. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảm giác bình yên đến lạ thường.
Trường Sa bây giờ đã đầy đủ tiện nghi với điện, đường, trường, trạm. Trung tâm y tế hiện đại nằm gần cổng thị trấn, âu tàu vững chãi là nơi ngư dân tìm về mỗi khi biển động.
Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa, nơi được ví như “trái tim” của quần đảo, là điểm tựa vững chắc cho ngư dân và người dân trên đảo. Đây là trung tâm y tế lớn nhất trong khu vực Trường Sa, được các y bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Quân y 175 đảm nhiệm. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ liên tục tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho bà con ngư dân trong khu vực và tiếp nhận bệnh nhân nặng từ cơ sở y tế ở các đảo nhỏ lân cận chuyển đến.
Thật khó có thể hình dung rằng, ở nơi mênh mông trùng khơi lại có một trung tâm y tế được trang bị đầy đủ hệ thống siêu âm, X quang, xét nghiệm cơ bản về sinh hóa, huyết học…
Nhớ về những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa vào tháng 10/2023, Trung tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nông Hữu Thọ mỉm cười tự hào: “Trước khi ra đảo, tôi là bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Quân y 175 tại TPHCM. Công việc khám chữa bệnh bận rộn cứ cuốn đi, Trường Sa khi đó với tôi tuy như gần nhưng lại rất xa xôi.
Nhưng càng về sau này, qua mỗi ngày, câu chuyện từ những đồng nghiệp đã từng công tác ở đó, kể về những gian nan thường trực, về tình cảm quân dân gần gũi như trong một gia đình, về sự cần thiết bổ sung cán bộ y tế trực cấp cứu… Tất cả như thôi thúc, vẫy gọi tôi mạnh mẽ đứng lên, viết đơn tình nguyện nhận công tác nơi đảo xa… Ai rồi cũng chỉ có một lần để sống và phụng sự Tổ quốc là vinh quang cao nhất. Khi tôi kể với cha mẹ, gia đình về ước nguyện này, mọi người tuyệt đối ủng hộ. Vậy là tôi lên đường đi về phía biển.
Tôi ra Trường Sa vào tháng 10/2023. Lần đầu tôi biết thế nào là sự vật vã của say sóng. Đặt chân lên được đảo, sức khỏe tôi rệu rã nhưng ngay khi đó, nhìn thấy ánh mắt ấm áp của bà con ngư dân trên đảo, nguồn sinh lực lớn như được tiếp thêm. Tôi và anh em bắt tay ngay vào việc, tiếp nhận bệnh xá và duy trì hoạt động ổn định. Có thể nói, bệnh xá đã và luôn luôn là điểm tựa bền bỉ bên ngư dân những lúc họ nguy khốn giữa biển khơi mênh mông”.
Bác sĩ Hữu Thọ nhớ lại, cách đây khoảng vài tuần, anh N.V.H, 36 tuổi, là công nhân đang cùng hải đoàn canh tác trong khu vực Trường Sa bị đau bụng vùng thượng vị sau đó lan dần về hố chậu phải. Anh đã được đưa vào bệnh xá ở đảo lân cận cấp cứu xử trí ban đầu. Tuy nhiên, cơn đau tiếp tục tăng lên khiến mọi người lo lắng bệnh diễn biến nhanh, tiên lượng nặng nếu không xử trí kịp thời.
Ngay khi bệnh nhân chuyển tới, toàn bộ ê kíp cấp cứu của Bệnh xá đảo Trường Sa cùng với chỉ huy đảo và các đơn vị liên quan đã hỗ trợ tiếp đón bệnh nhân sớm nhất. Bệnh nhân được làm xét nghiệm cấp cứu, chụp XQ, siêu âm và xác định bị viêm ruột thừa cấp.
TS BS Hữu Thọ triển khai hệ thống telemedicine để hội chẩn từ xa với các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 175. Quyết định “cân não” đã được đưa ra trong “khoảng thời gian vàng”. Tình hình khi đó rất nguy cấp, có ý kiến đề xuất đưa bệnh nhân vào bờ. Nhưng bệnh xá quyết định, phải mổ cấp cứu tại chỗ. Mạng sống bệnh nhân khi này tính bằng giây, không thể có chỗ cho sự chùn bước.
Nhờ có sự tham vấn từ Bệnh viện Quân Y 175, ê kíp Bệnh xá đảo Trường Sa nhanh chóng đưa ra hướng xử trí, tiến hành công tác chuẩn bị và phẫu thuật cấp cứu. Thời tiết mùa hè nóng bức, những giọt mồ hôi thấm đẫm trên áo, nhưng ca mổ tiến hành thuận lợi, thành công. Bệnh nhân đã ổn định sức khoẻ, được ra viện và trở về với hải trình của mình. Đây là một trong nhiều ca được hội chẩn telemedicine thành công tại bệnh xá Trường Sa.
Trung tâm Y tế Trường Sa tiếp nhận các ngư dân với các mặt bệnh chính như chấn thương đầu, ngực bụng, tay chân… Bên cạnh đó, nhóm bệnh lý nội khoa thường gặp là hội chứng giảm áp khi ngư dân lặn sâu canh tác trên biển. Với những trường hợp này, cần phải phát hiện sớm và xử trí kịp thời nếu không sẽ nguy kịch đến tính mạng.
Cách đây không lâu, có 2 cha con ngư dân bị hội chứng giảm áp trong lúc canh tác ở khu vực đảo lân cận. Ê kíp y bác sĩ đã nhanh chóng làm mọi công tác sơ cứu, cấp cứu ban đầu cũng như hội chẩn với các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 175 để có hướng xử trí kịp thời chính xác như: Oxy liệu pháp, dịch truyền, bù nước điện giải và dinh dưỡng hợp lý… Bác sĩ và nhân viên y tế bệnh xá đã vận dụng linh hoạt các trang thiết bị hiện có cùng với kiến thức và kinh nghiệm để nhanh chóng xử lý tình huống. Hai cha con ngư dân đã trở lại hải trình, yên tâm vươn khơi.
Sau khi tốt nghiệp THPT, bác sĩ Nông Hữu Thọ vào học tại Học viện Quân y, ngành bác sĩ đa khoa và bắt đầu nhập ngũ từ đó. Sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ, anh xung phong nhận nhiệm vụ ở Trường Sa.
“Ra đảo, thay đổi môi trường, thói quen sinh hoạt, thời gian đầu anh thấy thế nào?”
“Thú thực là, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đón nhận. Khí hậu khắc nghiệt, môi trường khắc nghiệt mình cũng phải thích nghi, với tinh thần sáng tạo. Ở đâu bệnh nhân cũng cần bác sĩ nhưng ở giữa biển khơi bao la, có lẽ người bệnh cần chúng mình hơn. Việc cứu người mang ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt”, bác sĩ Thọ chia sẻ.
Theo bác sĩ Thọ, Trung tâm Y tế Trường Sa là tuyến cuối trong khám chữa bệnh ở Trường Sa. Chính vì vậy các bác sĩ, nhân viên y tế cố gắng điều trị tốt nhất để ngư dân có đủ sức khoẻ quay lại với đoàn của mình, tiếp tục bám biển.
“Ngư dân phải xa gia đình lênh đênh trên biển nhiều ngày, lại phải xa tàu để vào bệnh xá chữa bệnh nên rất thiếu thốn về tình cảm. Với anh em trong bệnh xá, ngư dân là đồng bào, là hiện diện của quê hương. Chúng tôi nấu cơm, cháo, chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình. Chăm sóc về mặt tinh thần cũng là liều thuốc giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh chóng”, bác sĩ Thọ chia sẻ.
Khi còn là sinh viên y khoa, bác sĩ Thọ cùng bạn bè đi dạy ngoại ngữ ở một trung tâm mái ấm cho trẻ em. Giờ đây ra Trường Sa, BS Hữu Thọ cũng đang hỗ trợ các thầy giáo trên đảo mở thêm lớp tiếng Anh cho các học sinh nơi đây. Có bé ham học tiếng Anh, phát âm rất tốt. Thấy các bé hưởng ứng, bác sĩ Thọ càng tích cực “soạn giáo án” để làm sao tiếng Anh trở nên thật dễ dàng. Trả lời về lý do mở thêm lớp tiếng Anh, anh giãi bày: “Tôi chỉ muốn làm điều gì đó thật ý nghĩa nơi mình đang hiện diện”.
Thành Huế – Thiết kế: Phạm Luyện
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/quyet-dinh-phut-sinh-tu-cuu-ngu-dan-gap-nan-o-truong-sa-2301476.html