Chiều 16.7, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã đảm bảo cung ứng điện dù thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt. Theo đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn quốc thời gian này đạt 151,73 tỉ kWh, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2023, vượt kịch bản đề ra.
Đề cập bức tranh tài chính 6 tháng đầu năm nay, ông Tuấn tiết lộ con số âm tài chính khoảng 13.000 tỉ đồng, giảm so với mức cùng kỳ (âm 15.000 – 16.000 tỉ đồng).
“Sau 2 năm lỗ liên tiếp, 6 tháng đầu năm nay lỗ 13.000 tỉ đồng. Cuối năm nay, lợi nhuận sẽ dương, rút giảm số lỗ xuống, nhưng vẫn sẽ lỗ”, lãnh đạo EVN thông tin.
Ông Tuấn cho rằng, con số âm 13.000 tỉ đồng là số liệu từ báo cáo sơ kết 6 tháng của Tập đoàn. Cuối năm, sau kiểm toán mới có con số chính thức về lợi nhuận của tập đoàn.
Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, ông kỳ vọng sẽ giảm thiểu số lỗ nêu trên về còn khoảng 10.000 tỉ đồng vì vận hành được thủy điện, giảm chi phí mua điện. “Tập đoàn có khả năng huy động nguồn điện giá rẻ vào những tháng cuối năm, nhờ vậy tối ưu hóa chi phí”, ông Tuấn nói.
Nói thêm về bức tranh tài chính trong năm 2023, ông Tuấn khẳng định gần như tất cả chi phí đều được tiết kiệm ở mức tối đa. “82% chi phí giá thành EVN là chi phí mua điện. Giá thành mua điện năm nay tiết kiệm được 2.000 tỉ đồng. Còn lại 18% để tối ưu hóa hệ thống của EVN. Nhưng với 18% này, kể cả tiết kiệm, tối ưu cũng không có cách gì để bù đắp được các chi phí”, ông Tuấn nêu sự khó khăn Tập đoàn đang đối mặt.
Trước đó, EVN đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 với số lỗ sau thuế hơn 26.770 tỉ đồng, tăng 29% so với mức lỗ 20.747 tỉ đồng năm trước.
Giá nhiên liệu cho sản xuất điện vẫn cao
Trong báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch năm 2023, EVN cho biết, mặc dù EVN và các đơn vị cũng đã nỗ lực thực hiện các giải pháp như tiết kiệm chi phí (tiết kiệm, tiết giảm 15% chi phí thường xuyên, từ 20-50% chi phí sửa chữa lớn), đồng thời, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần (tăng 3% từ ngày 4.5.2023 và tăng 4,5% từ ngày 9.11.2023) nhưng vẫn không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện, nên tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.
Theo EVN, các nguyên nhân chính làm tăng chi phí khâu sản xuất điện như giá nhiên liệu vẫn ở mức cao.
Bên cạnh đó, cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thuỷ điện giảm, trong khi tăng huy động các nhà máy nhiệt điện than, dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá thành thủy điện. Chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/evn-lo-them-13000-ti-dong-nua-dau-nam-2024-1367306.ldo