Hội thảo thu hút nhiều tham luận, báo cáo từ các diễn giả, chuyên gia như: “Báo chí dữ liệu trong kỷ nguyên AI”, PGS.TS Trần Quang Diệu (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); “Vai trò của Truyền thông doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số”, TS Lê Thị Thu Hằng (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông); “Công nghệ số và mô hình báo chí sáng tạo”, ông Lưu Đình Phúc (Cục Báo chí – Bộ TT&TT)…
Nhu cầu tuyển dụng, sử dụng nhân sự trong bối cảnh mới
Chia sẻ tại hội thảo, nhà báo Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết, suốt 20 năm qua đã nhìn thấy sự nổi lên của công nghệ trong hoạt động báo chí thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ mới dừng ở việc sử dụng công nghệ một cách khá đơn giản.
“Nếu gọi là thực sự chuyển đổi số và một môi trường hoạt động đúng nghĩa tòa soạn digital thì chưa nhiều cơ quan báo chí đạt được. Hiện nhiều tòa soạn vẫn bị pha trộn giữa cách làm truyền thống với sử dụng một số công cụ mới”, nhà báo Dương Thanh Hương nhìn nhận.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ, tài chính và nhân lực được cho là ba trụ cột chính cho việc chuyển đổi số tại các tòa soạn báo chí. Theo bà Hương, công nghệ đã sẵn có để các cơ quan áp dụng bất cứ lúc nào. Tài chính dù quan trọng nhưng không còn là bài toán lớn với các tòa soạn. Do đó, nhân lực mới là yếu tố then chốt, quan trọng nhất trong bối cảnh chuyển đổi số.
“Từ cấp lãnh đạo cao nhất của một tờ báo là ban biên tập, đến lãnh đạo cấp phòng, ban và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, tất cả phải đủ trình độ, năng lực để vận hành cỗ máy chuyển đổi số”, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại nêu.
Từ đó, nhà báo Dương Thanh Hương cho biết đặt ra yêu cầu, mỗi phóng viên, biên tập viên phải ý thức về việc sử dụng công nghệ và thay đổi nhận thức về công nghệ. Đội ngũ nhân sự phải nắm vững các kỹ năng chuyển đổi số trong thời đại mới: công nghệ làm báo digital; kỹ năng khai thác, kiểm chứng, bảo mật thông tin số; kỹ năng sáng tạo và tổ chức sản phẩm báo chí đa phương tiện; kỹ năng làm việc với IA, ChatGPT;…
“Chúng tôi luôn đặt hàng với các đơn vị trường học đào tạo Ngành Báo chí đón nhận những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi để hướng dẫn, bồi dưỡng trong môi trường tác nghiệp thực tiện và áp tực tại tòa soạn”, bà Hương cho biết phương hướng.
Đạo đức báo chí – truyền thông trong kỷ nguyên AI
Trao đổi tại hội thảo, TS. Nhà báo Trần Bá Dung, Trưởng Khoa Marketing – Truyền thông Trường Đại học Hoa Sen chỉ ra, đối với báo chí – truyền thông, AI ảnh hưởng nhiều nhất và rõ ràng nhất, đó là xuất hiện truyền thông số – báo chí số, báo chí tự động, tác động tới sự vận hành từ sáng tạo nội dung số đến sản xuất các dòng sản phẩm số trong hệ sinh thái báo chí.
“Trong mô hình tòa soạn hội tụ, công nghệ số triển khai trong toàn bộ hoạt động từ sản xuất nội dung đến kinh doanh, phát hành, tương tác công chúng, đều trên các nền tảng số. Trong đó AI và các công nghệ mới (như Bockchain, Chat GPT…) là trợ thủ đắc lực của ngành công nghiệp nội dung số. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nghề báo, từ quản trị sản xuất nội dung đến đạo đức báo chí và các yếu tố pháp lí”, ông Bá Dung nêu.
Theo đó, Trưởng Khoa Marketing – Truyền thông Trường Đại học Hoa Sen chỉ ra các thách thức, tác động tiêu cực của AI tới báo chí – truyền thông và vấn đề đạo đức báo chí – truyền thông trong giai đoạn hiện tại.
Cụ thể, việc dùng dữ liệu và tin giả để sản xuất tác phẩm báo chí là vấn đề khó kiểm soát. Trong đó, tin từ mạng xã hội vốn đã thiếu tin cậy, nay lại được AI tổng hợp và nhà báo không kiểm chứng đưa vào sử dụng trên báo chí, đang là mối bận tâm sâu sắc của các lãnh đạo báo chí.
Ngoài ra, việc AI cung cấp thông tin và dữ liệu dễ dàng, miễn phí sẽ tạo nên tâm lý ỷ lại, lười biếng, thiếu trách nhiệm của nhà báo. “Thách thức ở đây là người lãnh đạo cơ quan báo chí vừa phải khuyến khích phóng viên sử dụng có hiệu quả kho tài nguyên số của nhân loại, vừa phải đủ khả năng, trình độ kiểm soát được những phóng viên ‘đạo văn’ từ mạng nhờ AI”, nhà báo Trần Bá Dung phân tích.
Cùng với đó là vấn đề vi phạm bản quyền tác giả. Theo ông Bá Dung, nhiều người, trong đó có nhà báo, sử dụng tài liệu lấy từ Chat GPT và AI để viết báo một cách thoải mái mà quên mất quyền tác giả. Số lượng bài báo điện tử được viết từ AI, do AI là rất khó thống kê và vượt quá khả năng kiểm soát của các tòa soạn.
Theo vị chuyên gia, điều này càng đòi hỏi trách nhiệm xã hội và đạo đức của báo chí trong việc khai thác, xử lý, cung cấp thông tin một cách chính xác và không lạm dụng công nghệ từ AI.
“Đạo đức là vần đề cốt lõi, sống còn của người làm báo, người làm truyền thông, bởi báo chí có tác động xã hội sâu sắc, mạnh mẽ, tức thời. Nhất là khi báo chí chuyển đổi số và ứng dụng rộng rãi AI”, nhà báo Trần Bá Dung nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.congluan.vn/thach-thuc-dao-van-tu-ai-cua-nguoi-lam-bao-chi–truyen-thong-trong-ky-nguyen-so-post303634.html