Các nhà lập pháp (MEP) giành được ghế từ cuộc bầu cử nghị viện EU diễn ra hồi tháng trước sẽ có phiên làm việc đầu tiên vào ngày 16-18/7 tại Strasbourg, Pháp. Và việc đầu tiên họ cần làm là bỏ phiếu bầu ra các vị trí lãnh đạo hàng đầu của khối 27 quốc gia.
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra hồi tháng 6 đã chứng kiến một sự chuyển dịch mạnh mẽ sang cánh hữu. Với tỉ lệ ủng hộ tăng cao, phe cực hữu hiện muốn tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn trong nghị viện EU khóa mới.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã khiến những người đồng cấp EU không hài lòng khi đến thăm Nga và Trung Quốc hồi đầu tháng này. Ông Orban đáng lẽ sẽ có bài phát biểu trước nghị viện, nhưng bài phát biểu của ông đã bị hoãn lại, với lý do là vì lịch trình bỏ phiếu bận rộn của EP.
Bỏ phiếu bầu lãnh đạo
Đầu tiên, vào ngày 16/7, các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) cho 2 năm rưỡi tiếp theo (tức nửa kỳ lập pháp). Để được bầu, một ứng cử viên phải giành được đa số tuyệt đối số phiếu hợp lệ, tức là hơn 50%.
Chủ tịch EP khóa trước, bà Roberta Metsola, một chính trị gia bảo thủ người Malta, 45 tuổi, dự kiến sẽ giành được một nhiệm kỳ 2 năm rưỡi nữa.
Tiếp đó, trong ngày 16-17/7, các MEP sẽ bầu ra các thành viên còn lại của Văn phòng Nghị viện: 14 Phó Chủ tịch và 5 nhân viên.
Tuy nhiên, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào cuộc bỏ phiếu hôm 18/7, nơi quyết định tương lai chính trị của bà Ursula von der Leyen, người giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu khóa trước và đang tìm kiếm nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2.
Từ trái sang: Bà von der Leyen, bà Kaja Kallas và ông Antonio Costa, tại Brussels, ngày 28/6/2024. Ba vị chính trị gia kỳ cựu của châu Âu được đề cử các vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU, và Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Các đề cử này đều cần được đưa ra bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu (EP) khóa mới. Ảnh: AP
Khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra ngay giữa lòng châu Âu, EU phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm nền kinh tế trì trệ và sự bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng, những điều mà các nhà lãnh đạo EU sẽ phải trực tiếp đối diện và lèo lái khối này vượt qua một khi họ được bầu.
Kể từ khi các nhà lãnh đạo EU đạt được thỏa thuận về việc đề cử bà von der Leyen cho vị trí lãnh đạo hàng đầu của khối vào cuối tháng 6, nữ chính trị gia người Đức đã phải nỗ lực để giành được sự ủng hộ của các nhà lập pháp trong các khối chính trị chủ đạo.
Lần này có thể sẽ lại là một cuộc bỏ phiếu sít sao đối với bà von der Leyen. Trong cuộc bỏ phiếu 5 năm trước, bà chỉ đạt được nhiều hơn 9 phiếu so với số phiếu tối thiểu để trúng cử (361 phiếu bầu trong số 720 MEP).
“Bà ấy cần phải thận trọng để nhận được sự ủng hộ của các nhóm khác nhau trong Nghị viện châu Âu”, nhà phân tích Elizabeth Kuiper, Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách châu Âu, cho biết.
Trong khi một số nhà lập pháp không muốn EU đi chệch hướng khỏi việc tập trung cắt giảm lượng phát thải carbon để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, một số khác lại muốn giảm số lượng quy định mới về môi trường.
Bà von der Leyen cần phải làm hài lòng cả hai nhóm này nếu muốn nhận được sự ủng hộ của họ cho nỗ lực tái ứng cử của mình.
Chưa có gì là chắc chắn
Cuộc bầu cử nghị viện EU hồi tháng 6 chứng kiến liên minh cầm quyền trung dung, gồm Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) bảo thủ, Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ và những người theo chủ nghĩa tự do, vẫn là khối chính trị lớn nhất.
Về mặt lý thuyết, bà von der Leyen có thể giành đủ số phiếu ủng hộ để đáp ứng ngưỡng 361 phiếu bầu khi Đảng EPP của bà là nhóm chính trị lớn nhất trong EP, với 188 ghế, cộng thêm phiếu bầu từ các đối tác liên minh của EPP.
Tuy nhiên, một số MEP đã cho biết họ có thể sẽ bỏ phiếu chống lại bà von der Leyen trong cuộc bỏ phiếu kín bầu chọn lãnh đạo sắp tới.
Ngoài các cuộc bỏ phiếu, điều đáng chú ý trong Nghị viện châu Âu khóa mới là ảnh hưởng “đáng gờm” của phe cực hữu.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại một hội nghị ở trụ sở Liên minh châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 27/6/2024. Ảnh: AP
Nghị viện khóa mới cũng sẽ bầu ra 14 Phó Chủ tịch và cơ cấu chính trị của tổ chức này phức tạp hơn bao giờ hết khi có tới 2 nhóm cực hữu sở hữu số ghế lớn hơn trước.
Khối Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR), với Những người anh em Italy (Fratelli d’Italia – FdI) của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni làm nòng cốt, đã có một Phó Chủ tịch EP, nhưng hiện họ muốn có thêm 2 Phó Chủ tịch nữa.
Một nhóm mới được gọi là “Những người yêu nước vì châu Âu” (Patriots for Europe) – do Thủ tướng Hungary Orban thành lập và bao gồm cả Đảng Tập hợp Quốc gia (NR) cực hữu của Pháp – hiện là phe lớn thứ 3 trong nghị viện khóa mới, cũng đang cạnh tranh cho 2 vị trí Phó Chủ tịch.
Nhóm mới này vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ liên minh trung dung. Ông Pedro Lopez de Pablo, người phát ngôn của EPP, cho biết: “Chúng tôi không muốn những MEP này đại diện cho tổ chức”.
Vị phát ngôn viên cũng cho biết thêm rằng đã có các cuộc đàm phán nhằm ngăn chặn phe cực hữu giành được các vị trí lãnh đạo nổi bật, bao gồm cả vị trí trong các ủy ban của nghị viện.
Người phát ngôn của nhóm Patriots for Europe, Alonso de Mendoza, lập luận rằng biện pháp được các đảng chính trị chính thống sử dụng để ngăn chặn phe cực hữu là “phi dân chủ”.
“Tình hình vẫn đang phát triển”, nhà phân tích Kuiper của Trung tâm Chính sách châu Âu cho biết.
Minh Đức (Theo Digital Journal, Politico EU, Europarl News)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/noi-cac-vi-tri-lanh-dao-eu-5-nam-toi-se-duoc-quyet-dinh-204240716120707317.htm