Tọa lạc tại một trong những nơi đẹp nhất miền Trung Việt Nam, núi Bạch Mã có vị trí lý tưởng trông như một con ngựa bạch duỗi chân hướng biển mênh mông, cách cố đô Huế trầm mặc khoảng 40km về phía nam và cách thành phố Đà Nẵng sôi động khoảng 80km về phía bắc; nằm ở phần cuối cùng của dãy Trường Sơn Bắc kéo dài từ biên giới Việt – Lào ra tới biển Đông với độ cao khoảng 1.444m so với mực nước biển.
Khí hậu Bạch Mã trong lành, mát mẻ quanh năm, được đánh giá là một trong những vùng khí hậu dễ chịu nhất ở khu vực Đông Dương xưa nay; kể cả những khi miền Trung nắng nóng oi ả thì trên Bạch Mã vẫn mát mẻ dễ chịu.
Với người Huế, Bạch Mã có thể xem là ngọn núi tâm linh với truyền thuyết ra đời tên gọi là từ sự tích một vị tướng cưỡi ngựa trắng bay lên núi; đứng từ cầu Lương Điền hay núi Ngự Bình nhìn về Bạch Mã ngắm mây phủ đầu non cũng nhận ra dáng hình của chiến mã nghìn năm đợi chủ.
Cho đến những năm 1933 khi người Pháp phát hiện ra nơi này, kỹ sư trưởng M. Girard đã lên kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng Bạch Mã thành một khu nghỉ dưỡng trên cao trong đó có các biệt thự cùng công trình công cộng, và cả những phân khu dành riêng cho việc trồng rừng và bảo tồn thiên nhiên. Trên đỉnh núi, người Pháp xây nơi để trú chân ngắm cảnh gọi là Vọng Hải Đài. Từ vị trí Vọng Hải Đài có thể quan sát được toàn cảnh đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai, cửa Từ Hiền, vịnh Chân Mây, hồ Truồi với Trúc Lâm Bạch Mã, thậm chí là cả 2 thành phố Huế và Đà Nẵng những ngày trời quang mây tạnh.
Tạp chí Heritage