Những sự đổi thay trên mảnh đất Lục khu Hà Quảng, Cao Bằng là minh chứng sinh động cho thấy hiệu quả từ một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Đến nay, Hà Quảng, Cao Bằng đã có 1.526 nhà tạm, nhà dột nát được xóa bỏ với gần 68 tỷ động đã được giải ngân. Ảnh minh họa. (Ảnh: Đức Yên) |
Nhân con số, nhân niềm vui
Tính đến nay, Hà Quảng, Cao Bằng đã có 1.526 nhà tạm, nhà dột nát được xóa bỏ với gần 68 tỷ đồng đã được giải ngân. Dự kiến hết năm 2024, địa phương sẽ xóa bỏ hơn 1.000 nhà tạm, nhà dột nát nữa. Với quyết tâm và sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành, đến hết năm 2025, cơ bản những hộ gia đình khó khăn còn nhà tạm, nhà dột nát cũng sẽ được hỗ trợ, từng bước được xóa bỏ hoàn toàn.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định rõ yêu cầu điều chỉnh chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản cho người dân; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020-2030.
Ngay trong Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 24/2021/QH15 Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua ngày 28/7/2021. Nghị quyết 24 xác định mục tiêu đặt ra đó là thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Niềm vui của gia đình Hoàng Văn Sỹ trong ngôi nhà mới được hỗ trợ xây dựng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 24, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Chương trình).
Một trong những nội dung được đề cập là các chỉ tiêu giảm mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, Chương trình xác định rõ: chiều thiếu hụt về nhà ở, tối thiểu 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên các địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, bảo đảm có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Chính sách này nhanh chóng được các địa phương triển khai, phát huy hiệu quả trên thực tế, được người dân, nhất là khu vực các huyện nghèo thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa hết sức phấn khởi.
Trong quá trình tác nghiệp, trò chuyện với các gia đình anh Lý Văn Nó, Sùng Văn Đình ở xóm xóm Sỹ Điêng, hay Hoàng Văn Sỹ xóm Lũng Mủm của xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, chúng tôi càng hiểu rõ rằng, những chính sách của Đảng, Nhà nước là đúng đắn, thiết thực và đầy tính nhân văn.
Gia đình anh Lý Văn Nó sẽ chẳng còn cảnh phải tránh hết góc này đến góc khác khi trời đổ mưa bởi căn nhà đã chắn chắn, kín đáo và thoáng mát hơn.
Chỉ riêng tại Thượng Thôn, theo thống kê, năm 2021, xã đã hoàn thành xây mới 25 nhà, sửa chữa 4 nhà, 7 nhà lắp ghép với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.
Năm 2022, có 41 hộ thuộc diện hỗ trợ, trong đó 19 nhà làm mới, 22 nhà sửa chữa. Năm 2023, hoàn thành xây mới 6 nhà, sửa chữa 12 nhà, xã hội hóa 2 nhà, với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Năm 2024, xã Thượng Thôn được phân bổ chỉ tiêu hỗ trợ 110 hộ, trong đó 50 hộ xây mới, 60 hộ sửa chữa nhà ở.
Là một huyện nghèo, nằm ở vùng núi cao, còn thiếu thốn đủ thứ, số hộ nghèo trên địa bàn chiếm tỷ lệ cao, toàn xã Thượng Thôn có 455 hộ nghèo, 86 hộ cận nghèo. Chính vì vậy, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được chính quyền địa phương thực hiện với tinh thần quyết tâm cao.
Và trong năm 2024, toàn vùng Lục khu Hà Quảng sẽ quyết tâm và thực hiện xóa bỏ 1.134 ngôi nhà tạm, nhà dột nát. Tính trong 3 tháng đầu năm, huyện đã xóa được 393 ngôi nhà, số còn lại đang tiếp tục thực hiện.
Mặc dù những con số trên tưởng chừng hết sức khô khan, nhưng mỗi con số dần tăng lên, sẽ là tăng thêm niềm hạnh phúc của bà con nơi đây, vốn là những gia đình còn chất chứa bao khó khăn…
Những gia đình nơi đây còn chất chứa bao khó khăn… Ảnh minh họa. (Ảnh: Phương Hoa) |
Phấn đấu cuối 2025 thoát huyện nghèo
Theo bà Đàm Mai Hoa, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, các hộ gia đình được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát chủ yếu là các hộ nghèo, vì vậy kinh phí đối ứng để thực hiện xây mới hoặc sửa chữa nhà ở chủ yếu là sẽ vay vốn qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội và vay mượn người thân.
Bên cạnh đó, đường đi đến các hộ gia đình không thuận tiện, việc vận chuyển vật liệu như xi măng, cát, đá rất khó khăn. Bởi vậy trong quá trình thực hiện, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con thực hiện xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Các hộ gia đình đã có kế hoạch và có địa chỉ từng hộ cụ thể, các cán bộ phụ trách xóm sẽ tiếp tục hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện theo tiêu chí “3 cứng” (nền cứng, khung cứng và mái cứng).
Với những hộ gia đình mà đường đi lại khó khăn thì sẽ tuyên truyền, vận động bà con, các hội đoàn thể vào cuộc để giúp vận chuyển vật liệu để hộ gia đình thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở.
Bà Đàm Mai Hoa, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Thượng Thôn mong rằng đời sống của bà con tới đây sẽ có những chuyển biến tích cực. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thông tin cụ thể hơn về những khó khăn và tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn, bà Đàm Mai Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng cho biết, hằng năm, trong các chỉ tiêu kinh tế – xã hội đề ra có mục tiêu giảm hộ nghèo trên 5%.
Theo đó, địa phương cũng triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia đến bà con nhân dân, đặc biệt mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo và các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hướng dẫn người dân chuyển sang trồng gừng, dong riềng và cây gai xanh để tăng thêm thu nhập.
Bà Hoa cũng cho biết, khó khăn lớn nhất tại đây là vấn đề nguồn nước. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cũng đã hỗ trợ cho các hộ gia đình 1-2 chum lớn và trong thời gian tới sẽ đề xuất cấp trên xây thêm các bể vuông và bể nước công cộng nhằm đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho các hộ gia đình.
“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai làm các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xóm để người dân đi lại được thuận tiện hơn. Cùng các mô hình về trồng cây mũi nhọn và nuôi trâu, bò sinh sản, chúng tôi có mô hình Hội phụ nữ xóm cùng nhau đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình”, bà Đàm Mai Hoa cho biết.
Cụ thể, chị em sẽ hỗ trợ nhau trồng ngô, chăn nuôi trâu bò vỗ béo. Những hộ khó khăn không có trâu, bò nuôi thì cùng nuôi với những hộ gia đình có điều kiện hơn và cùng chia sẻ thành quả kinh tế khi nuôi trâu, lớn.
Mong rằng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm, tới đây đời sống của người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Quảng cũng như ở nhiều vùng miền của đất nước sẽ có những chuyển biến tích cực; tình trạng nhà tạm, nhà dột nát sẽ từng bước được xóa bỏ hoàn toàn.
Trao đổi với phóng viên TG&VN, ông Phạm Xuân Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng cho biết, để nâng cao đời sống cho người dân, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng kỹ thuật cũng như triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, trong đó có chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Năm 2020, với 35 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ 826 hộ nghèo trên địa bàn huyện Hà Quảng có nhà vững chãi, an toàn hơn. Từ điểm sáng này, Cao Bằng nhân rộng và xây dựng Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên toàn tỉnh.
Ông Phạm Xuân Tùng nhấn mạnh, Hà Quảng phấn đấu hết năm 2025 cơ bản trở thành huyện thoát nghèo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
“Đi đầu phong trào này, đến nay huyện Hà Quảng đã xóa được 1.526 nhà tạm, nhà dột nát, giải ngân được gần 68 tỷ đồng. Từ nay đến hết năm 2024, huyện dự kiến hỗ trợ 1.134 hộ và giải ngân trên 45 tỷ đồng; đến hết năm 2025 những hộ gia đình có nhà tạm, nhà chưa an toàn sẽ được hỗ trợ”, ông Phạm Xuân Tùng nói.
Bên cạnh đó, ông Tùng cho biết thêm, thông qua các chương trình, dự án, hiện 100% các xã của huyện Hà Quảng có đường ô tô đến trung tâm xóm; 97% cụm xóm có điện lưới quốc gia, gần 100% trung tâm xóm được tiếp cận sóng truyền thông. Hệ thống hồ vải địa kỹ thuật chứa nước mưa và các hệ thống kênh dẫn đã giúp bà con vùng cao có đủ nước sinh hoạt và phục vụ một phần sản xuất. Huyện cũng chú trọng hỗ trợ người dân vốn sản xuất, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, sản xuất gắn với cộng đồng…
Ông Phạm Xuân Tùng cho rằng, các hoạt động đã tạo sinh kế và thu nhập cho người dân và nhấn mạnh, Hà Quảng phấn đấu hết năm 2025 cơ bản trở thành huyện thoát nghèo.
Mong rằng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm, tới đây đời sống của người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Quảng cũng như ở nhiều vùng miền của đất nước sẽ có những chuyển biến tích cực; tình trạng nhà tạm, nhà dột nát sẽ từng bước được xóa bỏ hoàn toàn.
Bài 1: Từ căn nhà kiên cố giữa nương ngô ở huyện Hà Quảng, Cao Bằng, dệt mơ ước đổi thay
Nguồn: https://baoquocte.vn/bai-2-chinh-sach-nhan-van-va-thiet-thuc-cho-ba-con-cao-bang-278348.html