Năm 2014, Liên Hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15/7 hàng năm là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (World Youth Skills Day – WYSD), tập trung vào tầm quan trọng chiến lược của việc trang bị cho thanh niên các kỹ năng để có việc làm, công việc tử tế và tinh thần khởi nghiệp. Năm nay, chủ đề của WYSD là “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh niên trong nỗ lực xây dựng hòa bình và giải quyết xung đột.
Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh năng suất lao động Việt Nam được đánh giá đang tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Chính vì thế việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên Việt Nam được các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà trường đặc biệt quan tâm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ của Việt Nam là 28,1%, thấp hơn nhiều so với các nước khu vực và châu lục, trong khi mục tiêu của Chính phủ năm 2030 là tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 – 40%. Cả nước hiện vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo, nhiều ngành nghề, lĩnh vực vẫn chưa có bộ công cụ đo lường hay hệ thống khảo sát, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.
Tại buổi tọa đàm, “tam nhà” (nhà quản lý, nhà trường, nhà doanh nghiệp) cần ngồi lại thảo luận, làm thế nào để phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên Việt Nam?
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam khẳng định, nâng cao kỹ năng nghề là xu hướng tất yếu nhằm gia tăng năng suất lao động. Đây là vấn đề lớn, cần nhiều giải pháp đồng bộ, nên các đại biểu tham dự tọa đàm cần đi thẳng vào các vướng mắc, kiến nghị và đề xuất cách tháo gỡ.
Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Nguyễn Anh Thơ cho biết, năng lực của lao động chất lượng cao không có nghĩa hẹp chỉ cần trong nhóm có học vấn cao, trình độ cao, hay chỉ đơn thuần lấy số lượng giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư để đánh giá về chất lượng lao động. Việt Nam có 52,4 triệu lao động trong độ tuổi thanh niên, đây là tỷ lệ “dân số vàng” cần phải tăng cường nâng cao kỹ năng nghề cho nhóm lao động này.
Ông Hoàng Đức Long – Phó Trưởng Khoa Điện tử, trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội khẳng định, qua các kỳ thi nghề tại khu vực, Việt Nam chúng ta không thua kém. Vấn đề là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đơn cử như ngành thang máy, trước đây trong nhà trường chỉ là dạy nghề còn muốn phát triển nghề phải ra làm doanh nghiệp, nơi có môi trường, thiết bị hiện đại. Nay phải gắn kết nhà trường-doanh nghiệp để sinh viên có thể phát triển kỹ năng từ ghế giảng đường, kết hợp tuyển dụng từ khi tuyển sinh. Nhà trường cũng cần đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại để sinh viên có thể sớm tiếp cận công nghệ mới.
Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Huy Tiến cho biết, từ những ý kiến của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà trường chúng ta đã có bức tranh toàn cảnh về kỹ năng nghề nói chung, kỹ năng nghề cho thanh niên nói riêng. Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm sẽ được tổng hợp đóng góp cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng chủ trì.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/tang-cuong-ham-luong-cong-nghe-nang-cao-ky-nang-nghe-cho-thanh-nien.html