Quản chặt hoạt động vận tải, xử nghiêm “xe dù, bến cóc”
Theo báo cáo sơ kết tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng đầu năm 2024 của Ủy ban ATGT Quốc gia, tính đến nay, cả nước có trên 900.000 phương tiện thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình truyền dữ liệu về Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Thống kê từ ngày 1/1/2024 – 20/6/2024, các Sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 18.123 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000 km trở lên; Chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 189.243 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình về Hệ thống của Cục Đường bộ VN.
Xác định công tác vận tải phục vụ các hoạt động kinh tế – xã hội là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt trong 6 tháng đầu năm, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở GTVT chủ động các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra như: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo TTATGT tại đơn vị kinh doanh vận tải; công tác bình ổn giá cước vận tải; hạn chế chậm hủy chuyến trong vận tải hàng không.
Bên cạnh đó là phối hợp với lực lượng chức năng của Bộ Công an và các địa phương tăng cường điều tiết, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phát hiện xử lý nghiêm xe dù bến cóc, xe hoạt động trá hình tuyến cố định.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, hoạt động vận tải đã phục vụ đầy đủ, an toàn, thuận tiện cho người dân.
Tín hiệu tích cực từ vận tải công cộng
Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho biết, hầu hết các địa phương trên cả nước đều đã có tuyến xe buýt hoạt động từ trung tâm thành phố đi đến các trung tâm kinh tế xã hội của các huyện, thị trấn.
Tính đến nay, cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố đã có tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (3 tỉnh chưa có gồm: Hà Giang, Lai Châu và Yên Bái) với hơn 8.978 xe, vận chuyển khoảng 1 tỷ lượt hành khách mỗi năm.
Riêng tại Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2024, hệ thống xe buýt của Thủ đô vận chuyển gần 170 triệu lượt hành khách.
Các đô thị lớn như: Hà Nội, TP. HCM đang từng bước đưa vận tải đường sắt đô thị vào hoạt động đã thúc đẩy việc sử dụng phương tiện công cộng của người dân.
Trong đó, tuyến Cát Linh – Hà Đông có lượng khách ổn định trong khoảng 35.000 hành khách/ngày với lượng khách có nhu cầu sử dụng cho các chuyến đi thường xuyên.
Trong đó, có khoảng 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% còn lại là đi lại với các mục đích khác.
“Đây là tín hiệu rất tích cực trong phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn tại Thủ đô Hà Nội.
Thời gian tới khi tuyến Nhổn – Ga Hà Nội (Hà Nội) và tuyến Bến Thành – Suối Tiên đưa vào hoạt động sẽ góp phần cải thiện thị phần của giao thông công cộng, giúp kéo giảm ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn”, Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/hon-18000-xe-van-tai-bi-thu-hoi-phu-hieu-trong-6-thang-192240715181446451.htm