Tại Toạ đàm “Giá giảm?” nằm trong khuôn khổ báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản quý II/2022 của Công ty DKRA Việt Nam tổ chức ngày 7-7 tại TP HCM, DKRA cho biết: 6 tháng qua, phân khúc đất nền tại TP HCM và vùng phụ cận có khoảng 30 dự án mới với nguồn cung 4.904 sản phẩm, tăng 12% so với cùng kỳ. Riêng TP HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới ở phân khúc này.
Ở phân khúc căn hộ, 38 dự án mở bán mới với khoảng 16.800 căn, tăng 96% so với cùng kỳ năm ngoái.
TP HCM dẫn đầu nguồn cung khi chiếm 75,6% nguồn cung và gần 80% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường. Đặc biệt, căn hộ dưới 35 triệu đồng/m² gần như đã mất tích, còn căn hộ 40 triệu đồng/m2 cũng rất hiếm.
Phân khúc nhà phố, biệt thự, có 3.124 căn nhà phố, biệt thự từ 29 dự án. Giá bán sơ cấp ngày càng tăng, thị trường TP HCM đã thiết lập mặt bằng giá mới với mức giá lên đến gần 700 tỉ đồng/ căn.
Tại Đồng Nai, giá bán cao nhất lên đến 107 tỉ đồng/căn.
Các diễn giả tại Tọa đàm “Giá giảm?”
Ông Võ Hồng Thắng, Trưởng Phòng Nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Việt Nam, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, đà phục hồi xuất hiện ở hầu hết các phân khúc chủ chốt trên thị trường như nhà phố biệt thự, căn hộ, đất nền… Tuy nhiên, lạm phát, thiếu cung, siết tín dụng bất động sản,… đã tác động trực tiếp đến giá bất động sản, hình thành nghịch lý về giá giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Giá bán sơ cấp trên thị trường 6 tháng đầu năm tăng mạnh, nhiều lần thiết lập mặt bằng giá mới.
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, giá tăng là do một số vùng được nhà nước triển khai hạ tầng; nguồn tiền đền bù dự án sân bay Long Thành lan tỏa ra các vùng phụ cận; nguồn vốn ngân hàng thương mại có lãi suất khá rẻ được đổ vào thị trường; ngoài ra còn có sự hạn chế về nguồn cung mới và chi phí xây dựng tăng.
Các chuyên gia cũng cho rằng hiện tại giá bán thứ cấp ghi nhận sự sụt giảm cục bộ ở một số dự án hết chương trình ân hạn nợ gốc, tài trợ lãi của chủ đầu tư hoặc một số thị trường, phân khúc sản phẩm có tính thanh khoản thấp, mang tính chất đầu cơ,…
Khi phải chịu áp lực lớn về lãi vay, một số khách hàng chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để bán bất động sản mới mức giá thấp hơn kỳ vọng, bán lỗ để thu hồi vốn. Diễn biến này mang tính chất cục bộ, quy mô chưa đủ để phản ánh trên toàn thị trường.
Ngoài ra, tình trạng “sốt đất ảo” đẩy giá bán bất động sản tăng – giảm với biên độ lớn ở một số nơi có thông tin quy hoạch, hạ tầng không rõ ràng,…
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam, cho rằng thị trường bất động sản hiện tại đang như vào mùa mưa. Chắc chắn sẽ có người bị ướt nhưng mưa rồi sẽ tạnh, sau cơn mưa trời lại sáng. Vài người đang lỡ đường thì ướt, còn người ở nhà vẫn an toàn. Việc có người bi quan cũng là bình thường vì việc điều chỉnh trong ngắn hạn cũng là tốt. Nhà đầu tư nên đón nhận vì nó sẽ sàng lọc và sau đó sẽ bình thường lại.
“Nhà đầu tư thắng hay thua đều có nguyên nhân, vì không phải vài trường hợp là đại diện cho cả thị trường. Thị trường như cơn mưa, chắc chắn sau cơn mưa trời lại sáng” – ông Lâm nhìn nhận.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/nghich-ly-gia-ban-nha-dat-6-thang-dau-nam-20220707181507356.htm