Huyện miền núi ngày càng khởi sắc
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2011, huyện Nam Giang đã ưu tiên lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự lãnh chỉ đạo của huyện ủy, HĐND, UBND huyện, nhìn chung đến nay tình hình kinh tế – xã hội của địa phương tương đối ổn định, đời sống người dân dần khá lên, bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi.
Ông Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết: “Là huyện miền núi cao, địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, mức thu nhập của người dân còn thấp…. Vì vậy trong quá trình thực hiện, huyện Nam Giang luôn chú trọng thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới nhằm huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, phát huy các lợi thế để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.
Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được địa phương đầu tư phát triển cả quy mô và chất lượng. Nhiều công trình, dự án lớn đã được xây dựng như: hệ thống đường giao thông đến các trung tâm xã, thôn, bản được đầu tư xây dựng và bê tông hóa; hệ thống y tế từ huyện đến các xã, thôn, bản đều được hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuyên môn, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Công tác giáo dục và đào tạo được huyện quan tâm tập trung duy trì; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc luôn được chú trọng; công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững và ổn định.
Ông Chương cho hay, khi áp dụng Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thì có nhiều tiêu chí còn rất cao so với tình hình thực tế của địa phương. Vì vậy, huyện Nam Giang đã đề ra các giải pháp cụ thể để các cấp, các ngành cùng triển khai thực hiện.
Trong đó đặc biệt là nguồn lực đầu tư cần lồng ghép nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh hỗ trợ cho các Chương trình mục tiêu quốc gia (nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững 30a); vốn đối ứng của ngân sách huyện, nguồn vốn huy động từ sự đóng góp của người dân (hiến đất, cây trồng, đóng góp công…). Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã về đích nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (xã Tà Bhing năm 2024, xã La Dêê và Đắc Tôi năm 2025).
Quyết tâm rút ngắn khoảng cách với miền xuôi
Ông Hồ Viết Căn – Trưởng phòng NNPTNT huyện Nam Giang cho biết: Đứng trước thực tế đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, huyện Nam Giang đã xác định thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên nền tảng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện đã chú trọng phát triển kinh tế từ nguồn vốn sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó chú trọng thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị (về cây trồng: cam Vinh, bưởi da xanh, chuối…; về con vật nuôi: bò sinh sản, heo cỏ địa phương…) nhằm tăng thu nhập cho người dân khi tham gia dự án.
Ngoài ra, hằng năm UBND huyện hỗ trợ 190 triệu đồng/xã để các địa phương thực hiện trồng rừng gỗ lớn. Qua 4 năm đã trồng hơn 1.500ha rừng gỗ lớn, dần hình thành các rừng trồng có diện tích lớn và đang tiếp tục nhân rộng.
Năm 2023, sản xuất nông – lâm nghiệp trên địa bàn huyện được tăng cường đầu tư theo định hướng phát triển bền vững, với tổng giá trị ước đạt 316,2 tỷ đồng (tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022).
Đến nay, huyện Nam Giang có 14 Hợp tác xã (HTX) được thành lập, trong đó có 10 HTX có ngành nghề kinh doanh là chăn nuôi, trồng trọt. Điển hình là HTX Nông lâm nghiệp A Liêng và HTX Nông lâm nghiệp La Dêê thực hiện liên kết với người dân nuôi heo cỏ địa phương, HTX Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Nam Giang thực hiện liên kết nuôi bò.
Để phát huy lợi thế của từng địa phương, UBND huyện khuyến khích, vận động các HTX, Tổ hợp tác đẩy mạnh hoạt động chế biến để đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh khả năng liên kết và tiêu thụ nông sản của người dân.
Ông Căn cho biết thêm, tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hàng năm huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, tìm kiếm những sản phẩm có tiềm năng, lợi thế để đưa vào thực hiện. Qua đó chọn những sản phẩm đặc trưng để hỗ trợ phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Qua hơn 6 năm thực hiện, đến nay huyện Nam Giang có 8 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm: sản phẩm Túi Ađih (HTX Dệt thổ cẩm Cơ tu – ZaRa), Rượu Tà vạc cất Nam Giang (Cơ sở sản xuất Rượu Tà Vạc cất Nam Giang), Muối đặc sản Nam Giang đóng hộp và Trà đậu đen (Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Trí Nhất), Măng nứa khô (HTX Nông lâm nghiệp La Dêê), Thịt heo đen xông khói Nam Giang (HTX Dịch vụ thương mại Cà Dy), Chuối rừng khô (HTX Sản xuất thương mại và du lịch Zơ Râm Bách), Dưa kiệu A Điu (Hộ kinh doanh Trần Thị Mỹ Ý).
Song song với sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, trong những năm qua cấp ủy Đảng và chính quyền huyện Nam Giang đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát triển đa dạng hóa các ngành nghề công nghiệp – xây dựng, hoạt động dịch vụ thương mại, kinh doanh hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Cùng với đó, công tác giảm nghèo được chính quyền đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả giúp tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cuối năm 2023 đạt 35,58% (giảm 7,97% so với năm 2022).
Mục tiêu giai đoạn 2024-2025, huyện có 3 xã về đích nông thôn mới, không còn xã dưới 15 tiêu chí. Tầm nhìn đến năm 2030, huyện có 5/11 xã về đích nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 17 tiêu chí.
“Để hoàn thành các mục tiêu trên, huyện Nam Giang xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, từng bước đi vào chiều sâu, thực chất, bền vững. Qua đó phát triển nông thôn toàn diện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân miền núi, rút ngắn khoảng cách về mức sống với miền xuôi…”, ông Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang.
Nguồn: https://danviet.vn/nong-thon-moi-huyen-nam-giang-cua-quang-nam-dat-nhieu-ket-qua-phan-khoi-nho-dieu-nay-20240714215007208.htm