Vụ ông Trump bị ám sát hụt khi đang phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania hôm 13/7 đã gây bàng hoàng cả trong và ngoài nước Mỹ.
Theo kết quả một cuộc thăm dò do YouGov thực hiện tại Mỹ hôm 14/7, một ngày sau vụ nổ súng, 82% người Mỹ lo sợ về bạo lực chính trị, với 50% người trưởng thành cho rằng bạo lực chính trị là “vấn đề rất lớn” ở Mỹ và 32% nói rằng bạo lực chính trị “phần nào là một vấn đề” trong xã hội Mỹ.
Chỉ có 2% người Mỹ trưởng thành tham gia cuộc khảo sát mới nhất của YouGov có câu trả lời trái ngược với số đông ở trên khi cảm thấy bạo lực chính trị không phải là vấn đề ở nước này.
Có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm tuổi khi đề cập đến vấn đề này. Trong khi 37% người Mỹ từ 18-29 tuổi đánh giá bạo lực chính trị là “vấn đề rất lớn”, thì có tới 63% người Mỹ từ 65 tuổi trở lên đồng ý với nhận định đó.
Một lời giải thích cho sự khác biệt này có thể là ký ức về tình hình từ những năm 1960. Đối với những người Mỹ sống qua những năm 1960 hoặc gắn liền với thời đại đó theo một cách nào đó, các vụ ám sát các nhân vật quan trọng như Tổng thống John F. Kennedy, Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King Jr., và Thượng nghị sĩ New York Robert F. Kennedy, nói chung đại diện cho một số ngày đen tối nhất của thập kỷ đó.
Theo kết quả cuộc khảo sát được YouGov thực hiện vào ngày 14/7 với 4.339 người Mỹ trưởng thành, 67% số người được hỏi cho biết bầu không khí chính trị hiện tại khiến bạo lực chính trị “có nhiều khả năng xảy ra” hơn bình thường.
Ông Trump bị bắn khi đang phát biểu trong buổi vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania, ngày 13/7. Ảnh: AP
Sự hỗn loạn diễn ra vào tối hôm 13/7 (giờ địa phương) tại Butler, Pennsylvania, nơi ông Trump bị bắn khi đang tổ chức một cuộc vận động chính trị trước thềm Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa.
Ông Trump cho biết bản thân bị bắn vào tai phải nhưng vẫn ổn. Một người tham dự sự kiện đã thiệt mạng và 2 người bị thương nặng. FBI hôm 14/7 thông báo rằng họ đang điều tra vụ ám sát như một hành động khủng bố nội địa.
Khán giả thiệt mạng được xác định là ông Corey Comperatore, một lính cứu hỏa 50 tuổi. Vụ ám sát hụt khiến cả nước Mỹ choáng váng và khiến cuộc đua căng thẳng vào Nhà Trắng gần như đình trệ.
Đội ngũ chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhanh chóng thay đổi chiến lược của mình, đồng thời ngừng các cuộc chỉ trích nhằm vào ông Trump để tập trung vào thông điệp đoàn kết.
Trong vòng vài giờ sau vụ nổ súng hôm 13/7, chiến dịch của ông Biden đã gỡ bỏ các quảng cáo trên truyền hình và đình chỉ các hoạt động truyền thông chính trị khác, bao gồm cả những quảng cáo nêu bật việc ông Trump bị kết án trọng tội hồi tháng 5 tại tòa án bang New York liên quan đến việc trả tiền bịt miệng cho một ngôi sao khiêu dâm.
“Đoàn kết là mục tiêu khó nắm bắt nhất, nhưng không có gì quan trọng hơn điều đó lúc này… Chúng ta phải đoàn kết như một quốc gia”, ông Biden cho biết trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 14/7.
Ông Biden lên án bạo lực chính trị, đồng thời yêu cầu người Mỹ “hãy để FBI làm công việc của họ”.
Hiện chưa rõ động cơ của kẻ nổ súng. Nghi phạm, Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi ở Bethel Park, Pennsylvania, là một cử tri của Đảng Cộng hòa đã đăng ký, theo hồ sơ cử tri của bang.
Các đồng minh trong Đảng Cộng hòa của ông Trump hôm 13/7 đã mô tả ông như một anh hùng, tận dụng hình ảnh ông với tai đầy máu và nắm tay giơ lên, cùng khẩu hình dường như đang hô “Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu!”
Trong ngắn hạn, vụ nổ súng có thể sẽ mang đến “cú hích” cho ông Trump khi ông xuất hiện ở Milwaukee trong tuần này tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, nơi ông sẽ được chính thức đề cử làm ứng cử viên Tổng thống của đảng mình.
Minh Đức (Theo Reuters, Business Insider)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nguoi-my-lo-so-ve-bao-luc-chinh-tri-sau-vu-ong-trump-bi-ban-20424071510263607.htm