Phiên giao dịch ngày 14-5, VN-Index tăng nhẹ 3 điểm, lên mức 1.243 điểm. Thanh khoản khớp lệnh trên thị trường đạt gần 640,5 triệu đơn vị, tương đương 15.613 tỉ đồng.
Khối ngoại tiếp tục gây sự chú ý trên thị trường khi bán ròng gần 800 tỉ đồng. Tâm điểm bán ròng là cổ phiếu VHM của Công ty CP Vinhomes với giá trị 148 tỉ đồng, kế đến là cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank 100 tỉ đồng và HPG của Tập đoàn Hòa Phát 94 tỉ đồng…
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động tiếp tục được khối ngoại mua vào nhiều nhất với giá trị 220 tỉ đồng, tiếp đó là cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) giá trị 60 tỉ đồng…
Đáng chú ý, đây là phiên thứ 13 liên tiếp mà khối ngoại mua ròng mã cổ phiếu MWG (tương đương tổng giá trị 2.340 tỉ đồng).
Nhờ đó, cổ phiếu MWG trong phiên này đã tăng 3%, lên mức 60.100 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong gần 2 năm qua. Hiện, MWG còn cách 20.000 nữa sẽ trở lại mức đỉnh thời đại 80.000 đồng/cp lập vào tháng 4-2022.
Trước đó, hồi giai đoạn giữa tháng 4-2022, giá cổ phiếu MWG lập đỉnh kể từ khi niêm yết tại 80.000 đồng/cp, sau đó liên tục đi xuống theo tình hình kinh doanh và chạm đáy vào cuối tháng 10-2023 tại 33.600 đồng/cổ phiếu, niềm tin của cổ đông và các nhà đầu tư vào cổ phiếu này sụt giảm nghiêm trọng.
Khi đó, kết quả kinh doanh của Thế giới Di động liên tục giảm sút khi lợi nhuận quý I/2023 chỉ ghi nhận 21 tỉ đồng (giảm gần 600 tỉ đồng so với quý trước). Bước sang quý II/2023 giảm tiếp, chỉ còn 17 tỉ đồng.
Để cứu vãn tình hình, chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động từng tuyên bố tại Đại hội cổ đông năm 2023 sẽ tiến hành “cuộc chiến giá” để tăng doanh số và giành lại thị phần từ các nhà bán lẻ nhỏ hơn.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2023, “ông lớn” ngành bán lẻ điện máy công nghệ này lại chuyển sang chiến lược tinh gọn bộ máy và tối ưu chi phí, trong quý IV/2023, Thế giới Di động đã gây chú ý khi đóng hàng trăm cửa hàng thuộc chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh hoạt động không hiệu quả, cũng như cắt giảm mạnh mẽ nhân sự. Tính đến cuối năm 2023, Thế Giới Di Động đã cắt giảm tới 10.000 nhân viên.
Cùng với đó, Thế giới Di động cũng tiến hành bán bớt cổ phần tại công ty con chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh cho nhà đầu tư nước ngoài để thu về khoản lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng.
Số tiền thu được từ đợt chào bán được dùng để tài trợ nhu cầu hoạt động và phát triển kinh doanh của Công ty Đầu tư Bách hóa Xanh và Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh – công ty con của Công ty Đầu tư Bách Hóa Xanh.
Nhờ đó, cùng với sức mua gia tăng, kết thúc 3 tháng đầu năm 2024, tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần ở mức 31.486 tỉ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 903 tỉ đồng – mức cao nhất trong vòng 6 quý kể từ quý II/2022 (tăng hơn 40 lần so với cùng kỳ năm trước).
Giá cổ phiếu MWG trên thị trường cũng theo sự chuyển biến của Thế Giới Di Động mà hồi phục mạnh mẽ, từ 33.600 đồng lên hơn 60.000 đồng như hiện nay, tương ứng mức tăng gần 80%. Còn nếu tính từ đầu năm 2024, cổ phiếu này đã tăng khoảng 40%.
Theo Công ty CP Chứng khoán BIDV, Thế giới Di động và Điện máy Xanh có thể sẽ duy trì xu hướng phục hồi doanh thu và biên lợi nhuận trong thời gian sắp tới và kỳ vọng Bách hóa Xanh sẽ bắt đầu có lãi trong 2024, nhân rộng mô hình kinh doanh này trong nửa cuối năm.
Do đó, Công ty Chứng khoán BIDV khuyến nghị mua cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 69.300 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, Công ty Chứng khoán VCBS cũng khuyến nghị mua cổ phiếu MWG dựa trên triển vọng tích cực của việc hòa vốn Bách hóa Xanh và sự hồi phục của mảng điện máy trong năm 2024 nhưng với giá mục tiêu thấp hơn là 69.100 đồng/cổ phiếu.
Nguồn: https://nld.com.vn/co-phieu-the-gioi-di-dong-co-gi-ma-khoi-ngoai-o-at-mua-vao-13-phien-lien-tiep-196240514214817418.htm