Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sản phẩm cá tra giá trị gia tăng Việt Nam ngày càng được chú ý tại các thị trường quốc tế khi người tiêu dùng tại các quốc gia này ngày càng ưa chuộng, do sự đa dạng trong cách chế biến thành nhiều món ăn phong phú, phối trộn với nhiều nguyên liệu.
Tháng 5/2024, xuất khẩu các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng đạt hơn 2 triệu USD, tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu các sản phẩm này đạt hơn 13 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Top 5 điểm đến hàng đầu của cá tra giá trị gia tăng Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay bao gồm: Singapore với 3 triệu USD chiếm 23% tỷ trọng; Thái Lan với 2,6 triệu USD chiếm 20% tỷ trọng; Nhật Bản với 1,4 triệu USD, chiếm 10% tỷ trọng; Úc với 1,1 triệu USD chiếm 9% tỷ trọng, và Mỹ với 1 triệu USD, chiếm 8% tỷ trọng. Hiện, có khoảng hơn 50 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang các thị trường.
Trong đó, sản phẩm được ưa chuộng nhất là cá tra tẩm bột chiên/cá tra phile tẩm bột đông lạnh, chiếm 82% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng sang các thị trường trong 5 tháng đầu năm nay, với giá trị xuất khẩu đạt gần 11 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, sản phẩm snack da cá tra chiên giòn/chả cá basa chiên đông lạnh cũng được người tiêu dùng tại các thị trường ưa thích. Xuất khẩu sản phẩm này đạt gần 400.000 USD trong tháng 5/2024 và gần 2 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay.
Xuất khẩu một số sản phẩm cá tra giá trị gia tăng khác như cá tra cắt miếng tẩm bột, chiên đông lạnh, chả cá basa viên rau củ đông lạnh,… cũng ghi nhận giá trị xuất khẩu tăng trong 5 tháng đầu năm nay, lần lượt là gần 300.000 USD, tăng 52% và 113.000 USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo chuyên gia của VASEP, cuối tháng 4/2024, gần 40 doanh nghiệp Việt Nam trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã mang loạt sản phẩm chế biến giới thiệu với các đối tác nước ngoài thông qua Triển lãm Thuỷ sản Toàn cầu 2024 tại Tây Ban Nha. Các sản phẩm ăn liền thu hút nhiều khách tham quan thưởng thức ngay tại các gian hàng. Các sản phẩm chế biến rất phong phú, phối trộn với nhiều nguyên liệu được khách hàng đánh giá cao.
Phile cá tra đông lạnh vẫn là sản phẩm chủ lực xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tháng 5/2024, xuất khẩu sản phẩm này sang các thị trường đạt 134 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 5, Việt Nam xuất khẩu gần 603 triệu USD phile đông lạnh cá tra sang các thị trường.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc và Hongkong vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm nay đạt gần 203 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ chứng kiến tăng trưởng âm trong tháng 5/2024. Lũy kế xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm nay sang Mỹ đạt hơn 132 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong tháng 5/2024 với giá trị đạt gần 13 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, một vài thị trường ghi nhận tăng nhập khẩu cá tra bao gồm Mexico, Nhật Bản, Canada, Singapore,.. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá tra sang CPTPP đạt 103 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ.
Giống với thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang khối thị trường EU chứng kiến sụt giảm 16% trong tháng 5/2024 với giá trị 14 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu 5 tháng đầu năm sang thị trường này đạt 70 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo chuyên gia của VASEP, việc Mỹ và EU tiếp tục siết chặt nhập khẩu thuỷ hải sản từ Nga tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu cá tra tại Trung Quốc kỳ vọng sẽ được cải thiện khi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của nước này “thẩm thấu”.
Triển vọng xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ duy trì tích cực trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là ở các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc,…
Nguồn: https://danviet.vn/bat-ngo-da-mot-loai-ca-nuoi-nhieu-o-mien-tay-dem-chien-gion-roi-mang-ra-nuoc-ngoai-ban-lai-dat-nhu-tom-tuoi-20240626162732232.htm