Mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển, dẫn đến thức ăn dễ bị ôi thiu hoặc nhiễm khuẩn nếu không được bảo quản thích hợp dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Mới đây, Khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận bệnh nhân L.V. 56 tuổi, đến từ Hải Dương.
Mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển, dẫn đến thức ăn dễ bị ôi thiu hoặc nhiễm khuẩn nếu không được bảo quản thích hợp dẫn đến ngộ độc thực phẩm. |
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, khó thở nhẹ, mạch nhanh, huyết áp tụt, phụ thuộc thuốc vận mạch, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau quặn bụng quanh rốn.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, biến chứng sốc (hay còn gọi là shock nhiễm khuẩn cửa vào đường tiêu hoá), tổn thương thận cấp.
Theo lời kể, sau khi ăn bánh cuốn, bệnh nhân đột ngột xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều, nôn ra thức ăn, dịch dạ dày, đau quặn bụng từng cơn, đau bụng liên tục, đại tiện phân lỏng nhiều lần, phân vàng, không có bọt, sốt nhẹ, toàn thân gai rét. Ngoài ra ý thức tỉnh táo, không đau đầu, đau ngực, tiểu tiện bình thường.
Nhờ phát hiện sớm các triệu chứng, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện kịp thời, chẩn đoán, điều trị đúng, tích cực bằng phác đồ điều trị hồi sức chống shock, kháng sinh, cân bằng điện giải kiềm toan, dinh dưỡng tích cực, bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện sau 5 ngày điều trị.
Theo TS.Nguyễn Trọng Thế, Chủ nhiệm khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn nếu chủ quan có thể có các biểu hiện rất nặng, thậm chí có nhiều trường hợp đến với chúng tôi vào giai đoạn muộn trong tình trạng suy đa tạng dẫn đến tử vong.
Tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường ăn uống, khi ăn phải những thực phẩm, nguồn nước có chứa vi khuẩn gây bệnh. Các vi sinh vật bao gồm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng xuất phát từ những thực phẩm vệ sinh kém, là môi trường thuận lợi khiến người bệnh dễ dàng mắc bệnh.
Người bị nhiễm khuẩn đường tiêu hoá thường xuất hiện các triệu chứng sau khi ăn khoảng 6-24 giờ, bao gồm: Đi ngoài phân lỏng, phân nát, có lúc bị táo bón; buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc chướng bụng; cảm giác buồn ăn nhưng không ngon miệng; sốt, mệt mỏi, suy nhược; đau đầu, chóng mặt; mất nước và điện giải, vã mồ hôi.
Còn thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, nếu như trước đây, mỗi ngày Khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa của cơ sở y tế này chỉ tiếp nhận từ 3 – 5 người bệnh nhập viện do bệnh lý tiêu hóa thì ở thời điểm hiện tại, số lượng này đã tăng gấp 2 – 3 lần, dao động từ 10 – 15 người bệnh ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Bác sĩ lý giải, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do thời tiết nắng nóng, việc bảo quản thực phẩm mùa nóng chưa được tốt khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu.
Theo bác sĩ Trần Văn Sơn, Khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, các bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do các loại vi khuẩn như e.coli, campylobacter, listeria, salmonella, botulinum… gây ra.
Thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng, nhiễm khuẩn nếu không bảo quản đúng. Khi người bệnh tiêu thụ các loại thực phẩm này, vi khuẩn sẽ tấn công hệ tiêu hóa, gây ra các bệnh về tiêu hóa, phổ biến là rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, nặng hơn là ngộ độc.
Nhiễm trùng đường tiêu hóa chủ yếu lây qua đường ăn uống. Các sinh vật gồm nấm men, vi khuẩn, hoặc ký sinh trùng tấn công cơ thể gây nhiễm trùng đường ruột, dễ biến chứng nhiễm trùng máu.
Thông thường, sau khoảng 2 ngày nhiễm virus, vi khuẩn, người bệnh có thể có các biểu hiện nôn, buồn nôn, sốt, tiêu chảy nhiều lần, kéo dài trong 3-10 ngày.
Nếu không được khám, điều trị kịp thời, người bệnh có thể mất nước, mất điện giải, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu ngộ độc hoặc nhiễm trùng nặng.
Dự báo thời tiết miền Bắc có thể tiếp tục nắng nóng kéo dài, các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng số người mắc bệnh tiêu chảy nhập viện sẽ tiếp tục tăng.
Thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa.
Để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa, người dân cần lựa chọn thực phẩm kỹ lưỡng, hạn chế sử dụng nước có gas, giảm ăn đồ lạnh, xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý trong mùa nắng nóng như uống đủ nước, tăng cường rau xanh.
Đồng thời cần tuân thủ ăn chín, uống sôi, rửa sạch thực phẩm trước khi ăn. Vệ sinh tủ lạnh sạch sẽ, không để chung thực phẩm tươi sống và thực phẩm nấu chín.
Thức ăn bảo quản lâu trong tủ mát vẫn có thể bị hỏng và ngộ độc, do đó không nên sử dụng đồ ăn thừa sau 4 – 5 ngày bảo quản ở ngăn mát. Khi thấy các dấu hiệu đau bụng, sốt, nôn ói, tiêu chảy… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra, Ths.Bs. Lê Thị Hồng Nhung, Phó trưởng Khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã đưa ra một số khuyến cáo trong việc bảo quản thực phẩm mùa nóng có thể áp dụng trong gia đình.
Cụ thể bác sĩ khuyến cáo, khi lựa chọn thực phẩm phải chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không ôi thiu, kém chất lượng.
Không chọn những thực phẩm nhiễm chất độc hóa học, hoặc các loại thực phẩm chứa chất độc như nấm lạ, khoai tây mọc mầm, cá nóc… Hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn, nên nấu ăn tại nhà để giảm sự ô nhiễm từ môi trường.
Với bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, cần để ở nhiệt độ phù hợp và trong thời gian cho phép, không nên trữ quá nhiều thực phẩm, không để lẫn thực phẩm đã qua chế biến với thực phẩm sống.
Không để thức ăn ở ngoài quá hai giờ; không quá một giờ đồng hồ vào mùa hè hoặc khi thời tiết nắng nóng vì có thể gây hư hỏng, ôi thiu.
Hạn chế lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm. Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh.
Khi chế biến thức ăn, cần rửa tay trước khi tiếp xúc thực phẩm, trong và sau khi chế biến món ăn để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống.
Làm sạch các nguyên vật liệu trước khi chế biến món ăn. Thực hiện rã đông thực phẩm đông lạnh tốt nhất là trong môi trường mát của tủ lạnh hoặc lò vi sóng, không nên tái đông lạnh thực phẩm sau khi đã rã đông. Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng, ăn uống; rửa sạch bằng xà phòng và nên rửa bằng nước ấm.
Thực hiện nguyên tắc “ăn chín uống sôi”, hạn chế tối đa thức ăn sống hoặc tái, các loại thực phẩm lên men không qua xử lý nhiệt (dưa muối, nem chua…). Đun kỹ lại thức ăn cũ lưu trữ trong tủ lạnh trước khi sử dụng.
Rút ngắn thời gian chuẩn bị và phục vụ bữa ăn, bảo quản bằng lồng che, hộp đựng, nên ăn ngay sau khi chế biến xong.
Nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm cho bản thân và gia đình là điều cần thiết. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Nguồn: https://baodautu.vn/phong-chong-roi-loan-tieu-hoa-mua-he-d219609.html