Ngày 11-10, Công ty CBRE đã công bố tiêu điểm thị trường bất động sản tại TP HCM.
CBRE Việt Nam cho biết trong quý III vừa qua, mặc dù thị trường nhà ở (trong đó gồm cả chung cư và nhà phố, biệt thự), nguồn cung sụt giảm thê thảm, chỉ vài trăm căn được tung ra, nhưng giá bán ra vẫn tăng mạnh 2-3 lần so năm 2021 với giá bán vài chục tỉ đồng/căn.
Trong khi đó, nguồn cung căn hộ mới chỉ có 2.851 căn, giảm 80% so quý trước nhưng cao hơn 49% so cùng kỳ năm 2021. Phân khúc thị trường cao cấp dẫn đầu thị trường, chiếm 76% trong tổng nguồn cung mới. Phân khúc hạng sang chiếm 13%. Phân khúc trung cấp chỉ ghi nhận đợt mở bán dự án tại quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức), còn lại phân khúc bình dân tiếp tục biến mất khỏi thị trường.
Mặc dù nguồn cung mới giảm nhưng tổng số căn hộ bán được trong 9 tháng đầu năm 2022 là 18.520 căn, tăng gần gấp đôi so với số chào bán thành công của 9 tháng đầu năm 2021.
Cũng theo CBRE, giá sơ cấp trung bình trên toàn thị trường đạt mức 2.545 USD/m2, tăng 3,4% so quý trước và tăng 12% so cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều nhà đầu tư không tiếp cận được vốn vay trong giai đoạn này, sẽ khó khăn trong giai đoạn tiếp theo
Dự báo quý IV/2022, CBRE cho rằng TP HCM sẽ chào đón 1.822 căn hộ mới từ 11 dự án. Trong đó phân khúc cao cấp và sang sẽ tiếp tục dẫn dắt vô cùng mới với 66 %, còn 30% thuộc phân khúc hạng sang và 3% thuộc phân khúc trung cấp.
Bà Dương Thùy Dung, Trưởng Bộ phận Định giá – Nguyên Cứu thị trường và Tư vấn Phát triển CBRE, nhận định thị trường bất động sản những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Trong đó, nguồn cung sẽ tiếp tục hạn chế, đặc biệt là phân khúc trung cấp và bình dân sẽ tiếp tục không có nhiều lựa chọn với hầu hết nguồn cung mới tập trung ở phân khúc cấp cao. Mặc dù chính sách thắt chặt tín dụng đang dần được nới lỏng nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn đang rất khó khăn.
Theo đó, hiện nay, tất cả chủ đầu tư hoặc người mua nhà đều đang rất lo lắng và e ngại cho thị trường trong thời gian tới. Nỗi lo lớn nhất, ảnh hưởng đến thị trường nhiều nhất là nguồn vốn.
Chưa kể, nỗi lo của người đã vay mua nhà là họ nghĩ vay sau đó bán ra sẽ trả nợ nhưng hiện tại thanh khoản cũng giảm.
“Tôi cho rằng ít nhất 50% nhà đầu tư đang mắc kẹt vào điểm này vì họ định vay vốn tạm nhưng gặp thanh khoản kém, chi phí lại tăng cao mà bản thân họ cũng không trả lại sản phẩm cho nhà đầu tư vì như vậy họ sẽ bị thiệt. Năm 2023, Nhà nước không có chính sách gì mới để nới lỏng tiền tệ thì nhiều người sẽ gặp khó. Nếu nhà đầu tư không chịu đựng được, không tìm lối ra thì thị trường sẽ xáo trộn. Còn nếu tín dụng cải thiện, có sức mua thì có thể giảm áp lực hơn”- bà Dung nhấn mạnh.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/it-nhat-50-nha-dau-tu-bat-dong-san-tai-tp-hcm-dang-mac-ket-20221011161844654.htm