Công việc phát triển mô hình trạm biến áp không người trực là hoạt động thúc đẩy lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, tự động hóa ngành Điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia. Mô hình này giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đổi mới và cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống lưới điện.
Công ty Truyền tải điện 4 đã chỉ đạo Truyền tải điện Miền Tây 3 chuyển trạm biến áp 220kV Kiên Bình từ chế độ vận hành có người trực sang chế độ vận hành không người trực và thành lập Tổ Thao tác lưu động Kiên Bình. Theo đó, triển khai thực hiện thao tác đóng cắt thiết bị chính từ Trung tâm điều khiển xa đặt tại cấp các điều độ thông qua hệ thống SCADA.
Việc kiểm tra giám sát thiết bị trong chế độ vận hành bình thường và giám sát thiết bị trong chế độ thao tác do nhân viên trực vận hành tại Tổ Thao tác lưu động Kiên Bình thực hiện.
Hiện nay, việc thu thập thông tin vận hành tại trạm được thực hiện thông qua hệ thống điều khiển tích hợp, hệ thống thu thập công tơ điện tử theo thời gian thực (MDMS) từ xa đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giảm thời gian thao tác vận hành, nhân viên vận hành giám sát thiết bị trong chế độ bình thường và chế độ thao tác điều khiển đóng cắt các thiết bị trên máy tính điều khiển và tại thiết bị linh hoạt. Rút ngắn thời gian bảo trì, bảo dưỡng, nhận thông tin nhanh và xử lý các sự cố nhanh chóng, kịp thời. Giảm khối lượng công việc mà nhân viên vận hành đảm nhiệm, giảm bớt lực lượng nhân công làm việc tại trạm, tiết kiệm chi phí nhân công. Giảm sự cố thao tác nhầm do người vận hành. Đồng thời nâng cao độ an toàn, đồng bộ, hiệu quả trong vận hành. Từ đó, góp phần nâng cao độ tin cậy trong cung cấp điện, an toàn và cung cấp điện liên tục, ổn định.
Việc nắm bắt xu hướng và áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tự động hóa vào mô hình trạm biến áp không người trực tại Tổ Thao tác lưu động Kiên Bình đã giúp giảm bớt áp lực trong vận hành, quản lý lưới điện, tăng năng suất lao động. Đồng thời góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện an toàn, liên tục.
Qua đánh giá thực tế, trạm biến áp không người trực đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị; rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện… Từ đó giảm tối đa khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi xử lý, nâng cao năng suất lao động. Đây là bước tiến quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng lưới điện thông minh, giúp tạo độ tin cậy, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, tự động hóa ngành điện.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/chuyen-che-do-van-hanh-tram-bien-ap-co-nguoi-truc-sang-khong-nguoi-truc-1365153.ldo