Một trong những nhiệm vụ đặc trưng nhất của bảo hiểm tiền gửi nói chung là bảo vệ người gửi tiền, giúp người gửi tiền có thể nhận lại khoản tiền gửi khi tổ chức tham gia BHTG đổ vỡ, góp phần đảm bảo sự ổn định của các tổ chức tham gia BHTG và sự phát triển an toàn, lành mạnh trong hoạt động ngân hàng.
Theo quy định tại Luật BHTG, tổ chức tham gia BHTG là tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật Các TCTD được nhận tiền gửi của cá nhân. Tổ chức tham gia BHTG hiện nay bao gồm các đơn vị: Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô. Đối tượng được BHTG là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG; tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các TCTD.
Theo Thông tư 24/2014/TT-NHNN, nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt, hoặc văn bản chấm dứt áp dụng, hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản, hoặc Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Tại văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt, hoặc văn bản chấm dứt áp dụng, hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán phải nêu rõ việc TCTD không khôi phục được khả năng thanh toán (lâm vào tình trạng phá sản) để làm cơ sở cho việc trả tiền BHTG.
Điều 24 Luật BHTG quy định, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Hạn mức trả tiền bảo hiểm do Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Theo quy định này, trường hợp tổng số dư tiền gửi của một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG lớn hơn hạn mức trả tiền bảo hiểm thì khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, số tiền Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của người đó (bao gồm tiền gốc và tiền lãi) tối đa sẽ bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Hiện nay, theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ, số tiền tối đa tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 188 Luật Các TCTD 2024, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024, sau khi phương án phá sản được phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả BHTG cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại TCTD.
Như vậy, với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 thì bên cạnh hạn mức trả tiền bảo hiểm 125 triệu đồng thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong từng trường hợp cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có thể trình Thủ tướng Chinh phủ quyết định chi trả toàn bộ cho người gửi tiền.
Trong trường hợp chi trả toàn bộ, cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG về hạn mức trả tiền bảo hiểm để khả năng tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể đáp ứng được, từ đó việc triển khai Luật Các TCTD năm 2024 được phù hợp, hiệu quả, kịp thời bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, phù hợp với năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/tu-ngay-172024-han-muc-tra-tien-bao-hiem-tien-gui-co-the-len-toi-toan-bo-1365264.ldo